VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Nội địa hóa thiết bị của nhà máy nhiệt điện

vpdt.vnptioffice.vn

Nội địa hóa thiết bị của nhà máy nhiệt điện

20/04/2021
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu tính toán thiết kế, chế tạo lắp đặt và đưa vào vận hành trạm phân phối có cấp điện áp đầu ra đến 500 kV và tích hợp hệ thống nhị thứ cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”.
 

Đây là đề tài thuộc Dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”, do Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam chủ trì thực hiện.

Họp nghiệm thu đề tài chế tạo vận hành trạm phân phối cho nhà máy nhiệt điện

Báo cáo tại buổi nghiệm thu đề tài, ông Nguyễn Hải Quân – Trưởng ban Quản lý chất lượng và công nghệ, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, thành viên tham gia nhóm nghiên cứu – cho biết: Việc thực hiện đề tài nhằm làm chủ tính toán, thiết kế và chế tạo một số thiết bị chính, có khả năng nội địa hóa cao thuộc trạm phân phối cho nhà máy nguồn có công suất lớn.

 

Bên cạnh đó, nghiên cứu thiết bị khác trong trạm điện, đánh giá khả năng nội địa hóa các thiết bị khác trong trạm điện; làm chủ việc tính toán, thiết kế, chế tạo, tích hợp, lắp đặt và vận hành trạm phân phối có cấp điện áp đầu ra đến 500kV cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW.

 

Thực tế hiện nay, một số nhà sản xuất thiết bị điện Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp các thiết bị chính trong trạm phân phối có công suất lớn, điện áp siêu cao áp như các biến áp lực, cầu dao cách ly. Việt Nam tự hào là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đã sản xuất được máy biến áp truyền tải cho lưới điện siêu cao áp 500kV.

 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít khó khăn và hạn chế trong nhiều hạng mục của sản phẩm, đặc biệt trong việc sản xuất dòng biến áp nguồn, công suất lớn điện áp siêu cáo áp và các thiết bị đo lường điện áp siêu cao áp: Biến dòng, biến điện áp 110-220-500kV, các thiết bị đóng – cắt điện áp siêu cao áp như máy cắt điện, cầu dao, chống sét van 500Kv…

 

Hầu hết các thiết bị trên được nhập khẩu nguyên bộ từ nhà cung cấp nước ngoài như: Alstom, Schneider, Siemens… Cùng với đó, hầu hết các công cụ thiết kế, tính toán trạm phân phối siêu cao áp đều của các tập đoàn nước ngoài mà chúng ta phải mua bản quyền. “Dù đã có nhiều cố gắng từ Chính phủ tới các đơn vị sản xuất tìm hướng đi nội địa hóa các sản phẩm này, tuy nhiên chúng ta chưa đạt được nhiều thành công” – ông Nguyễn Hải Quân nhận định.

 

Qua quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài, nhóm đề tài đã thành công trong việc sản xuất máy biến áp nguồn 3 pha 500kV – 467MVA đầu tiên tại Việt Nam. Đây là cơ sở để Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, nhất là đặt quyết tâm thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV – 900MVA. Đề tài đã phối hợp với các đối tác nước ngoài trong công tác thiết kế chi tiết; thiết kế chế tạo; thiết kế quy trình lắp đặt, vận hành và phương pháp tổ chức thực hiện một dự án lớn có hàm lượng kỹ thuật cao…

 

Việc thực hiện đề tài đem lại lợi ích lớn về phát triển khoa học – công nghệ; thúc đẩy ngành cơ khí nước ta phát triển, góp phần thực hiện chương trình nội địa hóa thiết bị trong lĩnh vực nhiệt điện nói riêng cũng như các thiết bị điện cao áp, siêu cao áp phục vụ cho nhà máy điện công suất lớn và hệ thống truyền tải điện quốc gia nói chung.

Theo nguồn: https://congthuong.vn/noi-dia-hoa-thiet-bi-cua-nha-may-nhiet-dien-148819.html