VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Chế tạo thành công hệ thống nước làm mát cho nhà máy nhiệt điện

vpdt.vnptioffice.vn

Chế tạo thành công hệ thống nước làm mát cho nhà máy nhiệt điện

Năng lực nghiên cứu trong nước hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ xây dựng hệ thống nước làm mát cho các nhà máy nhiệt điện đốt than.

 

Lần đầu tiên nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong nước

Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống nước làm mát cho các nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” do Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ giao Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) chủ trì thực hiện.

Buổi nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống nước làm mát cho các nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”

Tại buổi nghiệm thu đề tài do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Đỗ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lilama18, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, đề tài này thuộc dự án khoa học và công nghệ về nội địa hóa một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than 600MW.

 

“Đây là 1 trong các nhiệm vụ thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước 11 hệ thống thiết bị phụ của 3 dự án nhà máy nhiệt điện. Sau quá trình triển khai, đến nay đề tài đã hoàn thành được các nội dung công việc đề ra” - ông Đỗ Minh Trí cho hay.

Kết quả đề tài đã hoàn thành các mục tiêu góp một phần nhỏ thành công trong lộ trình nội địa hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước.

Mục tiêu cụ thể là làm chủ từng phần thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành thành công hệ thống nước làm mát tại nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW. Đồng thời, ứng dụng kết quả của đề tài vào 2 dự án nhiệt điện than Sông Hậu 1 và Quảng Trạch 1.

Đồng thời, đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa thỏa mãn mục tiêu yêu cầu trong Quyết định số 1791/QĐ-TTg là đối với dự án đạt tỷ lệ nội địa hóa công tác tư vấn, thiết kế chế tạo dịch vụ kỹ thuật đạt 60%; chế tạo thiết bị và thi công lắp đặt đạt 50%.

“Đây là lần đầu tiên bằng tự lực trong nước kết hợp với các chuyên gia nước ngoài, nghiên cứu thiết kế hệ thống nước làm mát nhà máy nhiệt điện đốt than 600MW” - ông Đỗ Minh Trí khẳng định, đồng thời chia sẻ, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thiết bị từng bước, từ đơn giản đến phức tạp, chế tạo từng bộ phận (phù hợp với điều kiện kỹ thuật ở Việt Nam) kết hợp với nhập ngoại các bộ phận, thiết bị kỹ thuật cao và tích hợp toàn bộ hệ thống.

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều công đoạn

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu đề tài, đề tài đã cơ bản đáp ứng nội dung theo đơn đặt hàng. Cụ thể, hoàn thành đầy đủ về số lượng, khối lượng, chủng loại sản phẩm; chất lượng sản phẩm đạt được yêu cầu các chỉ tiêu chất lượng đã đăng ký.

Chế tạo bơm nước làm mát chính tại nhà máy

Đề tài đã đạt được mục tiêu tổng quát thực hiện lộ trình nội địa hóa sản phẩm cơ khí trong nước theo định hướng phát triển khoa học và công nghệ của Chính phủ đề ra. Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa của đề tài gồm: Phần thiết kế: 51,9%; chế tạo thiết bị: 80%; lắp đặt, chạy thử, bảo hành: 100%

 

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, với cách tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề có tính mới, đó là áp dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới trên thế giới trong nghiên cứu, tính toán như ứng dụng tin học để xây dựng các bài toán mô phỏng số như: Mô phỏng thủy lực dòng chảy; tính bền kết cấu, xác định các chế độ làm việc của bơm, của van...

Trên cơ sở đó, tìm ra các chế độ, thông số công nghệ phù hợp nhất áp dụng vào đề tài, vào thực tế điều kiện tại Việt Nam. Như vậy, kết quả đạt được của đề tài có độ tin cậy, độ chính xác rất cao.

Đặc biệt, sản phẩm “Hệ thống nước làm mát” của đề tài đã trải qua thực tế kiểm nghiệm, được kiểm tra, nghiệm thu đánh giá đạt hiệu quả cao trong sản xuất chung của Nhà máy điện Sông Hậu 1. “Các bước trong tính toán, thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống nước làm mát dự án này hoàn toàn có thể được áp dụng cho các dự án tương tự có công suất 600MW - ông Đỗ Minh Trí nêu.

Đối với các dự án nhiệt điện đốt than có công suất khác, nhưng có cùng công nghệ làm mát trực lưu từ nguồn nước sông, cũng có thể sử dụng các bước trong tính toán, thiết kế, lắp đặt và vận hành làm tài liệu tham khảo.

Theo đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị, đề tài cần được chuyển giao, ứng dụng cho các dự án khác tại Việt Nam. Muốn vậy cần có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ với các chủ đầu tư, để các doanh nghiệp cơ khí trong nước tiếp tục là nhà cung cấp cho các dự án.

Nhà nước cần mạnh dạn giao các dự án tương tự cho các doanh nghiệp trong nước để từng bước tự chủ tiến tới tự chủ hoàn toàn về công nghệ và thiết bị” - ông Đỗ Minh Trí nói.

Đề tài thành công đã tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy các nhà khoa học và các nhà quản lý cùng nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất; tạo công ăn, việc làm cho lao động tại thị trường Việt Nam.

Nguồn: Báo Công thương