VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Lần đầu tiên chế tạo thành công hệ thống vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện

vpdt.vnptioffice.vn

Lần đầu tiên chế tạo thành công hệ thống vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện

Lần đầu tiên ở Việt Nam, việc chế tạo và vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện do lực lượng khoa học công nghệ trong nước đảm nhận.

 

Công nghệ có độ phức tạp cao

Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) chủ trì thực hiện vừa được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc và hoàn thành đầy đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại các sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương “đặt hàng”.

 

Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí phát biểu tại buổi nghiệm thu đề tài

 

Đây là đề tài nằm trong 12 nhiệm vụ thuộc Dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”.

 

Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí chia sẻ, nhu cầu cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam rất lớn. Theo khoản 3 Điều 1 Quyết định 1791/QĐ-TTg, hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than là 1 trong 11 hạng mục thiết bị phải được nội địa hóa trong nước cho 3 dự án Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1, Quỳnh Lập 1.

 

Ở thời điểm triển khai đề tài, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã tích lũy được một số kinh nghiệm thông qua các thiết kế từ nước ngoài, cung cấp phụ tùng thay thế và sửa chữa bảo dưỡng các hệ thống hiện có tại các nhà máy nhiệt điện.

 

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa thể làm chủ được việc thiết kế và chế tạo đồng bộ một hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện than vì các tài liệu tính toán thuộc dạng bí quyết công nghệ của các hãng cho nên rất khó tiếp cận hoặc tìm kiếm từ các nguồn khác nhau; chưa có đề tài nghiên cứu đi sâu vào lĩnh vực nội địa hóa các thiết bị bốc dỡ và vận chuyển than.

 

“Thời điểm đó, trong nước chưa có công ty nào có đủ khả năng tính toán, thiết kế, chế tạo đồng bộ hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện đốt than mà vẫn phải mua trọn gói toàn hệ thống từ nước ngoài với giá thành rất cao vì trong đó còn kèm theo chi phí bản quyền công nghệ” - TS. Phan Đăng Phong cho hay.

 

Do vậy, việc làm chủ tính toán thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến 600MW ở nước ta có tính cấp thiết, kết quả sẽ đem lại lợi ích to lớn về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy ngành cơ khí nước ta phát triển, góp phần thực hiện thành công chương trình thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2025 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1791//QĐ-TTg.

 

NARIME đã thiết kế và cung cấp nhiều hợp đồng kinh tế cho các ngành công nghiệp trong nước trong đó phần thiết kế và chế tạo đồng bộ các hệ thống băng tải như: Tổng thầu EPC nhà máy tuyển bô xít Nhân Cơ, trong đó có hệ thống băng tải dài đến 4,9 km công suất tới 700 tấn/h.

 

Bên cạnh đó, tổng thầu EPC nhà máy tuyển bô xít Tân Rai, trong đó có hệ thống băng tải dài đến 3,2 km công suất tới 700 tấn/h; thiết kế và cung cấp hệ thống băng tải cho mỏ khoáng sản Núi Pháo với công suất tới 200 tấn/h; EPC hệ thống nghiền và xuất xi măng Nghi Sơn tại Hiệp Phước với công suất 120 tấn/giờ… Đây chính là những tiền đề để NARIME tự tin trong những nhiệm vụ nghiên cứu mới.

 

Nội địa hóa đạt 85% về khối lượng

Sau nhiều năm nghiên cứu, các kỹ sư của Viện Nghiên cứu Cơ khí đã hoàn thành việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế cơ sở từ nước ngoài và làm chủ hoàn toàn công tác thiết kế chế tạo hệ thống cung cấp than với năng suất >1700 tấn/giờ.

 

Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1

 

Đồng thời, hoàn thành việc tính toán, thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, thiết kế chế tạo, các tài liệu như công nghệ chế tạo, hướng dẫn lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa cho 1 hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện có công suất tổ máy khoảng 600MW.

 

Đặc biệt, hoàn thành việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành 1 Hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông hậu 1 có công suất 2x600 MW, năng xuất hệ thống 1700 tấn/giờ với khả năng điều khiển tại chỗ và từ xa đáp ứng các yêu cầu cầu đặt ra của Dự án.

 

Cùng với đó, công bố 173 kết quả nghiên cứu khoa học bao gồm các chuyên đề và bài báo khoa học đã được kiểm chứng và có độ tin cậy cao.

 

Sản phẩm của Đề tài được đưa vào áp dụng tại nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 2x600MW. Kết quả chạy thử nghiệm đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật, công nghệ, đã được chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn tổng thầu ký nghiệm thu.

 

“Sau khi thực hiện đề tài và áp dụng các kết quả của đề tài cho hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 tỷ lệ nội địa hóa ước đạt 85% khối lượng và 56% giá trị. Con số trên sẽ tăng dần theo các dự án tiếp theo - TS Phan Đăng Phong nhấn mạnh.

 

Với việc đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo toàn bộ Hệ thống, nhóm đề tài đã áp dụng các nghiên cứu đạt được để tự thực hiện từ khâu thiết kế, chế tạo toàn bộ hệ thống cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 với năng suất 3.200 tấn/giờ.

 

Sau khi đề tài triển khai thành công, giá trị hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than công suất đến 600 MW được giảm giá so với nhập ngoại nhưng với chất lượng tương đương. Đồng thời, giảm nhiều chi phí thuê chuyên gia nước ngoài (khoảng 50%) trong công tác quản lý dự án, lắp đặt, vận hành, sửa chữa thiết bị dây chuyền như trước đây vẫn làm.

 

Kết quả đạt được của Đề tài đã minh chứng cho khả năng của các đơn vị trong nước với đội ngũ khoa học kỹ thuật với trình độ ngày càng được nâng cao và luôn lỗ lực học hỏi về công nghệ mới có khả năng đảm nhiệm các dự án phức tạp tương tự cho các chương trình phát triển kinh tế của Đất nước trong thời gian tới.

 

Trong thời gian tới với việc Chính phủ đẩy mạnh việc ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện rác, các dự án nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng, Viện Nghiên cứu Cơ khí đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương có các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để tạo điều kiện cho nhóm đề tài được tham gia nghiên cứu và làm chủ công nghệ cho các lĩnh vực công việc này.

 

Nguồn: Báo Công Thương