VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Lần đầu tiên Việt Nam chế tạo hệ thống thiết bị kho nguyên liệu cho nhà máy xi măng

vpdt.vnptioffice.vn

Lần đầu tiên Việt Nam chế tạo hệ thống thiết bị kho nguyên liệu cho nhà máy xi măng

Lần đầu tiên bằng nội lực khoa học và công nghệ trong nước, hệ thống thiết bị công nghệ kho nguyên liệu tổng hợp với công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clanke/ngày cho nhà máy xi măng được nghiên cứu thiết kế tại Việt Nam.

 

Tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cho nhà máy xi măng

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phê duyệt quyết định giao Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thiết bị đồng bộ của kho nguyên liệu tổng hợp cho nhà máy xi măng công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clanke/ngày”.

Lần đầu tiên Việt Nam chế tạo hệ thống thiết bị kho nguyên liệu cho nhà máy xi măng

Máy rút liệu – một trong những thiết bị của hệ thống thiết bị kho nguyên liệu cho nhà máy xi măng sẽ được Viện Nghiên cứu Cơ khí chế tạo

 

Với tổng kinh phí thực hiện 84 tỷ đồng, việc triển khai đề tài sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cho nhà máy xi măng, nâng cao năng lực của các đơn vị cơ khí trong nước, đẩy mạnh kinh tế phát triển. Với chất lượng sản phẩm tương đương nhập ngoại, nhưng giá thành giảm, đề tài cũng góp phần giảm mức nhập siêu hàng năm. Đặc biệt, giảm nhiều chi phí thuê chuyên gia nước ngoài (khoảng 70%) trong công tác quản lý dự án, lắp đặt, vận hành và sửa chữa thiết bị dây chuyền như trước đây vẫn thực hiện.

 

Kỹ sư Vũ Văn Điệp, chủ nhiệm đề tài cho biết, theo thống kê Việt Nam có khoảng 89 nhà máy xi măng và trạm nghiền đã được xây dựng trên toàn quốc. Là nước đứng thứ 3 trên thế giới về sản xuất xi măng, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, với nguồn nguyên liệu thô dồi dào, dự kiến từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất hơn 10 kho nguyên liệu sẽ được đầu tư, nâng cấp trong nước chủ yếu hệ thống thiết bị đồng bộ cho kho dài tập trung tại các nhà máy xi măng của VICEM và một số nhà máy sản xuất xi măng trong nước như Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Tam Điệp,…

 

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các nhà máy xi măng, toàn bộ các hệ thống thiết bị đồng bộ cho kho nguyên liệu của nhà máy hầu hết được cung cấp bởi các đơn vị nhà thầu nước ngoài. Bên cạnh đó, với các nhà máy đang hoạt động, sau quá trình vận hành, cũng không tránh khỏi các vấn đề về công nghệ cần được nâng cấp và sửa chữa.

 

Nếu như không có đơn vị nào trong nước nắm bắt được công nghệ, có năng lực thiết kế và chế tạo các thiết bị đồng bộ thì việc nâng cấp này cũng phải thuê các hãng nước ngoài, các nhà máy phải bỏ ra một chi phí lớn thuê các chuyên gia đánh giá từ các hãng nước ngoài và chờ đợi các hàng hóa thay thế được nhập khẩu với giá rất cao, sẽ không chủ động được kế hoạch sản xuất gây thiệt hại kinh tế.

 

“Vì vậy, việc cung cấp này không thể lệ thuộc vào các hãng trên thế giới, cần có các đơn vị trong nước hiểu công nghệ, đủ sức làm chủ thiết kế, cung cấp, chế tạo, lắp đặt và vận hành các hệ thống thiết bị đồng bộ cho kho nguyên liệu” – Kỹ sư Vũ Văn Điệp cho hay, đồng thời chia sẻ, phát triển các thiết bị toàn bộ trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển của Viện Nghiên cứu Cơ khí đến năm 2030 tầm nhìn 2040 đang được Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

 

Trong nước đủ khả năng thiết kế, chế tạo các thiết bị

Theo Kỹ sư Vũ Văn Điệp, với những chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, cũng như nỗ lực của các đơn vị cơ khí trong nước, đến nay ngành cơ khí Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc nội địa hóa các thiết bị cho các nhà máy công nghiệp nói chung và nhà máy xi măng nói riêng. Năng lực thiết kế, gia công, chế tạo đã từng bước được nâng cao.

 

Lực lượng nghiên cứu khoa học, quản lý, công nhân lành nghề ngày càng lớn mạnh. Các sản phẩm cơ khí được nội địa hóa ngày càng đa dạng với chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm đã được các đối tác nước ngoài đặt hàng cho các dự án trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Trong đó, Viện nghiên cứu Cơ khí (NARIME) là đơn vị có nhiều năm kinh nhiệm trong lĩnh vực tư vấn công nghệ, thiết kế và chế tạo thiết bị cho hệ thống vận chuyển nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp, điển hình như hệ thống vận chuyển liệu cho nhà máy Bauxite Nhân Cơ và nhà máy Buaxite Tân Rai, các Hệ thống vận chuyển tro, xỷ và Hệ thống lọc bụi cho các nhà máy Thái Bình 1 và Nghi Sơn 2, Hệ thống cấp than cho nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1…

 

Ngoài ra, một số đơn vị khác như Viện máy và dụng cụ công nghiệp (IMI), Viện Khoa học và Công nghiệp mỏ luyện kim… là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế công nghệ, thiết kế chế tạo các phụ tùng và thiết bị cho dây chuyền xi măng lò quay như lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện, dây chuyền đóng bao xi măng…

 

Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã từng tham gia chế tạo các kết cấu thép và lặp đặt các thiết bị tương tự cho nhà máy xi măng, nhiệt điện như LILAMA, COMA, MIE, VINAINCON… Trong đó, năm 2005, LILAMA đã chủ trì thực hiện dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clanker/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa”.

 

Tuy nhiên, Kỹ sư Vũ Văn Điệp thừa nhận, mặc dù các doanh nghiệp tư vấn, thiết kế, cơ khí chế tạo trong nước đã có những phát triển lớn mạnh, dần dần từng bước khẳng định vai trò của ngành cơ khí đối với nền kinh tế quốc dân, song cũng phải thấy rằng tỷ lệ nội địa hoá thiết bị của các hệ thống vận chuyển nguyên liệu trong nhà máy xi măng vẫn đang ở mức độ thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu phấn đấu là làm chủ được dây chuyền sản xuất xi măng về thiết kế công nghệ sản xuất và chế tạo thiết bị.

 

Điều này đã bộc lộ rõ sự bất cập trong việc kết nối giữa các đơn vị tư vấn để thực hiện thiết kế công nghệ, thiết kế chế tạo các dây chuyền hoàn chỉnh, các đơn vị chế tạo, lắp đặt, vận hành hoạt động riêng rẽ, cạnh tranh lẫn nhau.

 

Nếu Việt Nam nội địa hoá được hệ thống thiết bị đồng bộ cho kho nguyên liệu tổng hợp ở mức 70-80% về khối lượng (trên cơ sở thiết kế và công nghệ tiên tiến) thì không những thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nhà máy xi măng, làm cho ngành cơ khí chế tạo nước ta phát triển mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho hàng chục doanh nghiệp cơ khí với hàng chục nghìn người lao động cho mỗi dự án đồng thời tiết kiệm chi phí được rất nhiều so với phương án nhập khẩu thiết bị.

 

“Để làm được điều đó, đòi hỏi tất yếu các đơn vị tư vấn thiết kế, chế tạo, lắp đặt trong nước phải có sự kết nối, phối hợp để cùng thực hiện dự án từ đầu đến cuối” – kỹ sư Vũ Văn Điệp nói, đồng thời thông tin, hiện tại Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn đã có cam kết phối hợp với Viện trong việc thực hiện đề tài và sử dụng sản phẩm của đề tài. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đề tài. Ngoài ra, Viện sẽ hợp tác với các công ty như LILAMA, COMA,… để chế tạo, lắp dặt, và vận hành thiết bị để đảm bảo đề tài được triển khai một cách hiệu quả và đáp ứng tiến độ và chất lượng đề ra.

 

Theo nguồn: https://congthuong.vn/lan-dau-tien-viet-nam-che-tao-he-thong-thiet-bi-kho-nguyen-lieu-cho-nha-may-xi-mang-162297.html