VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Lần đầu tiên Việt Nam làm chủ công nghệ hấp khử trùng rác thải y tế

vpdt.vnptioffice.vn

Lần đầu tiên Việt Nam làm chủ công nghệ hấp khử trùng rác thải y tế

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) đã thực hiện thành công “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt, năng suất từ 4.000 – 4.500 kg rác/ngày”. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường mà còn là bước tiến lớn khẳng định năng lực của khoa học công nghệ trong nước.

 

Thay thế hiệu quả công nghệ truyền thống

Theo chân kỹ sư Nguyễn Văn Bình – Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt, năng suất từ 4.000 – 4.500 kg rác/ngày”, đến tìm hiểu thực tế tại Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) – đơn vị ứng dụng công nghệ của nhóm nghiên cứu, chúng tôi vô cùng bất ngờ trước khối lượng sản phẩm và thành quả công nghệ do các nhà khoa học Việt Nam chế tạo.

Kỹ sư Nguyễn Văn Bình – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành

hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt

 

Chia sẻ về mục đích nghiên cứu, kỹ sư Nguyễn Văn Bình cho biết: Chất thải y tế lây nhiễm có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và môi trường nếu không được loại bỏ các đặc tính nguy hiểm như lây nhiễm, truyền bệnh để biến chúng thành rác thải thông thường và xử lý chúng như chất thải sinh hoạt. Hiện nay trên thế giới và trong nước đang sử dụng dụng hai công nghệ chính để xử lý rác thải y tế lây nhiễm, đó là công nghệ đốt và công nghệ không đốt. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, công nghệ không đốt đã thay thế hoàn toàn cho công nghệ đốt.

 

Trong khi đó, ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế đang sử dụng lò đốt để xử lý rác thải y tế nguy hại. Công nghệ đốt nhằm loại bỏ hoàn toàn các chất lây nhiễm có trong rác thải y tế thành khí CO2 và hơi nước qua việc đốt rác thải ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C. Tuy nhiên, quá trình tiêu hủy rác thải y tế bằng công nghệ đốt bộc lộ nhiều nhược điểm, đó là gây ra chất thải thứ phát là dioxin và furan – đây là những độc tốc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường.

 

“Việc áp dụng các công nghệ không đốt hay công nghệ xử lý rác thải y tế bằng nhiệt hấp không chỉ triệt tiêu được sinh chất thải thứ phát là dioxin và furan phát sinh trong công nghệ cũ mà còn là bước xử lý rác thải hiệu quả trước khi chôn lấp mà không gây hại đến môi trường, phù hợp với xu hướng chung hiện nay trên thế giới” – kỹ sư Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

 

Đồng thời, với công nghệ này, Việt Nam có thể thực hiện các công ước về bảo vệ môi trường đã ký kết với quốc tế như: Công ước về bảo vệ tầng ôzôn 1985, Tuyên bố Liên hợp quốc về môi trường và phát triển 1992, Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC) 1992, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) 2001… tạo ra môi trường trong sạch cho xã hội.

Công nghệ hấp khử trùng rác thải y tế do Việt Nam chế tạo có nhiều cải tiến ưu việt hơn

 

Ông Tống Việt Dũng – Phó Giám đốc Urenco 13 – chia sẻ: Hiện tại, công ty đang xử lý khoảng 5 tấn rác thải y tế/ngày. Trước đây, công ty sử dụng công nghệ đốt truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi sớm nhận thấy công nghệ này có những bất cập, phát sinh ra khí thải nguy hại. Cùng với đó, Nhà nước luôn khuyến cáo các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển các công nghệ thân thiện với môi trường hơn.

 

Theo đó, từ năm 2016, đơn vị đã tiếp nhận lại một dây chuyền công nghệ hấp chất thải y tế của một tổ chức quốc tế tài trợ, có xuất xứ công nghệ từ Mỹ. Công nghệ hấp chất thải này với nguyên lý hoạt động, đó là dùng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao để khử toàn bộ vi trùng, vi khuẩn, những tác nhân gây bệnh có hại.

 

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng công nghệ của nước ngoài, chi phí bảo trì, bảo dưỡng, thay thế trang thiết bị nếu gặp sự cố gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. May mắn, cách đây 2 năm, Urenco 13 gặp kỹ sư Nguyễn Văn Bình và cùng phối hợp với Viện Nghiên cứu cơ khí triển khai đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt, năng suất từ 4.000 – 4.500 kg rác/ngày”.

 

“Chúng tôi đã có những phát triển làm tăng tính ưu việt của hệ thống cũ cũng như việt hóa hoàn toàn hệ thống cũ của Mỹ để chúng ta làm chủ công nghệ và phù hợp hơn với điều kiện môi trường của Việt Nam hơn” – ông Tống Việt Dũng nhấn mạnh.

 

Công nghệ không thua kém thế giới

Sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay kỹ sư Nguyễn Văn Bình và các cộng sự đã chế tạo được 1 nồi hấp theo thiết kế; 1 nồi hơi theo thiết kế; 1 tủ điều khiển nồi hấp; 1 tủ điều khiển nồi hơi (phần cứng và phần mềm điều khiển) và bộ quy trình công nghệ xử lý rác thải y tế hấp nhiệt ướt. Sản phẩm đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép vận hành thử nghiệm theo Công văn số 6524/BTNMT-TCM ngày 18/11/2020.

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt đang vận hành thử nghiệm tại Urenco 13

 

Sau hai tháng được lắp đặt, khảo nghiệm tại Urenco 13 (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), kết quả cho thấy, hệ thống mới vận hành ổn định. Đặc biệt, các xét nghiệm vi sinh rác thải y tế sau khi được xử lý bằng hệ thống mới đạt kết quả theo yêu cầu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

 

“Hệ thống do Việt Nam chế tạo cho thấy sự ưu việt hơn. Chất lượng rác thải xử lý vẫn như cũ nhưng thời gian xử lý rác rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 80% – 85%, năng suất tăng lên khoảng 15 – 20% so với công nghệ của hãng hàng đầu thế giới về thiết bị hấp khử trùng chất thải y tế. Đặc biệt, hệ thống của nước ngoài trị giá gấp khoảng 4 lần so với hệ thống do đơn vị trong nước chế tạo” – kỹ sư Nguyễn Văn Bình cho hay.

 

Ông Tống Việt Dũng khẳng định: Sản phẩm của đề tài có mức chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu của GK-MOSS Mỹ. Do đó, công ty cũng như Viện Nghiên cứu cơ khí rất mong muốn qua bước đầu thử nghiệm đưa vào vận hành thành công có thể tiếp tục nhân rộng việc ứng dụng công nghệ trên phạm vi cả nước.

 

“Đề tài thành công trước mắt sẽ được nhân rộng tại các đơn vị thành viên của URENCO, xử lý rác thải y tế tập trung cho các bệnh viện tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, sau đó có thể nhân rộng sang các đơn vị xử lý rác thải bệnh viện tại các tỉnh miền Nam và miền Trung nước ta” – ông Tống Việt Dũng cho hay.

 

Tại hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài diễn ra tại Viện Nghiên cứu cơ khí mới đây, các chuyên gia đều đánh giá cao kết quả của đề tài về ý nghĩa khoa học, giá trị thực tiễn, nhất là tính mới, tính sáng tạo về mặt công nghệ. Theo đó, đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện để cơ quan chủ trì đề tài có cơ sở chuyển giao kết quả nghiên cứu.

 

Theo nguồn: Báo Công thương Link https://congthuong.vn/lan-dau-tien-viet-nam-lam-chu-cong-nghe-hap-khu-trung-rac-thai-y-te-150848.html