VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Một số đề xuất nhằm thực hiện tốt các Dự án KH&CN cấp Quốc gia của Viện nghiên cứu Cơ khí

vpdt.vnptioffice.vn

Một số đề xuất nhằm thực hiện tốt các Dự án KH&CN cấp Quốc gia của Viện nghiên cứu Cơ khí

03/01/2017

Trong hơn 10 năm thực hiện các Dự án KH&CN cấp Quốc gia theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/2013/TT-BKHCN ngày 29/3/2013, nay được thay thế bằng Thông tư số 18/2016/TT-BKHCN ngày 01/9/2016, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) đã tham gia nhiều Dự án KHCN, trong đó có hai dự án KHCN sau Viện chủ trì thực hiện “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” và “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ chạy thay với công suất khoảng 600 MW một tổ máy.

 

Tình hình triển khai Dự án KH&CN được giao, những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện

 Dự án KH&CN: Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h.

 

Tình hình triển khai Dự án

Thời gian thực hiện Dự án từ 2012 đến 2018, với mục tiêu làm chủ phần thiết kế, chế tạo thiết bị lọc bụi tĩnh điện (ESP), Dự ánđã hoàn thành các nội dung chính sau:

– Hoàn thiện hồ sơ thiết kế chế tạo ESP công suất 1.000.000 Nm3/h.

– Hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu ESP công suất 1.000.000 Nm3/h.

– Xây dựng biện pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm ESP chế tạo trong nước tương đương tiêu chuẩn châu Âu.

– Đầu tư mới các dây chuyền thiết bị để chế tạo các thiết bị chính ESP bao gồm máy cán chuyên dụng cán tạo hình cắt đột liên hợp gia công tấm cực lắng, thiết bị đo độ phẳng cho tấm cực lắng, thiết bị đo gia tốc tức thời, thiết bị đo độ kín công nghệ siêu âm.

– Chế tạo giá thử nghiệm và các loại đồ gá gia công các hạng mục thiết bị chính của lọc bụi: phần chế tạo đồ gá gia công khung cực phóng và đồ gá khuôn rèn quả búa: đã hoàn thành năm 2014; phần chế tạo giá thử nghiệm mô hình khí động lực và giá thử nghiệm điện cực lắng, điện cực phóng.

– Chế tạo, lắp đặt, chạy thử và đưa vào sử dụng ESP cho dự án ứng dụng.

Theo đăng ký trong thuyết minh đề cương, kết quả nghiên cứu dự kiến áp dụng vào các dự án Quỳnh Lập 1, Long Phú 1 và Quảng Trạch 1. Tuy nhiên, vì các dự án trên đều chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Narime đã chủ động đấu thầu và trúng thầu Hợp đồng cung cấp thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, đây là địa chỉ ứng dụng của dự án sản xuất thử nghiệm. Theo nội dung Hợp đồng đã ký kết, Narime sẽ cung cấp 02 ESP, mỗi thiết bị có công suất 1.067.180 Nm3/h cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1. Thời gian thực hiện Hợp đồng từ 2015 đến 2018. Hiện nay công việc đang được thực hiện đáp ứng tiến độ và chất lượng của Chủ đầu tư.

 

Những kết quả đạt được

– Xây dựng được bộ hồ sơ thiết kế ESP công suất 1.000.000 Nm3/h, phù hợp ứng dụng cho các nhà máy nhiệt điện từ 300 MW đến 600 MW. Bộ hồ sơ thiết kế nêu trên cũng là cơ sở cơ bản đủ điều kiện áp dụng cho thiết kế ESP tại các dự án khác có công suất bất kỳ.

– Đã khai thác ứng dụng các công cụ phần mềm cho công tác tính toán, thiết kế như: Phần mềm Autodesk Robot Structural Analysis 2012 cho công tác tính toán kiểm bền chất lượng phần kết cấu của lọc bụi tĩnh điện; Phần mềm SOLIDWORKS Flow Simulation cho công tác tính toán, phân tích chế độ khí động lực dòng khí trong buồng lọc phục vụ cho việc kết hợp với kết quả thực nghiệm trên mô hình vật lý để ra quyết định thiết kế bộ phận phân phối khí của lọc bụi tĩnh điện; Phần mềm Solide works, Ansys cho công tác kiểm bền, tính toán tuổi thọ các chi tiết chính của điện cực lắng, bộ búa gõ rũ bụi. 

– Từ nguồn lực KHCN đã xây dựng và trang bị được:

+ Bộ giá thử nghiệm chế độ khí động lực dòng khí trong buồng lọc bụi, phục vụ trực tiếp cho công tác thử nghiệm, đánh giá trước khi ra quyết định thiết kế cuối cùng.

+ Bộ giá thử nghiệm chất lượng điện cực lắng, điện cực phóng, bộ búa gõ rũ bụi sản phẩm thực tế cung cấp cho dự án ứng dụng.

 + Trang bị được một số thiết bị đo kiểm chuyên dụng: thiết bị kiểm tra độ kín bằng phương pháp siêu âm phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng độ kín của buồng lọc sau khi lắp đặt, thiết bị đo gia tốc tức thời phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng thiết kế cũng như chế tạo điện cực lắng, điện cực phóng, thiết bị đo độ phẳng phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng chế tạo tấm điện cực lắng. 

– Từ nguồn lực KHCN kết hợp với nguồn lực từ Hợp đồng kinh tế của Dự án ứng dụng đã trang bị được nhà xưởng và thiết bị sản xuất một số bộ phận quan trọng của ESP: dây chuyền thiết bị sản xuất tấm điện cực lắng, thiết bị sản xuất thanh gai điện cực phóng, một số bộ khuôn mẫu sản xuất các chi tiết quả búa bộ gõ rũ bụi.

 

Đánh giá về hiệu quả của Dự án

– Hiệu quả về KHCN: Viện Nghiên cứu Cơ khí đã cơ bản làm chủ được việc thiết kế, chế tạo hệ thống ESP với tỷ lệ nội địa hóa đạt 80%, giá thành cạnh tranh. Dự án đã góp phần hình đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về ESP, có khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành hệ thống ESP đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, G7. Các thiết bị thử nghiệm của dự án không những phục vụ cho công tác thiết kế, kiểm tra chất lượng sản phẩm chế tạo mà còn được sử dụng trực tiếp cho công tác đào tạo tiến sĩ về lĩnh vực ESP.

– Hiệu quả về kinh tế: Sau khi Viện thiết kế, chế tạo thành công hệ thống ESP, giá chào của các nhà thầu nước ngoài cho giá sản phẩm này ở các dự án nhiệt điện đã giảm khoảng 15% so với khi chưa tự thực hiện được, từ đó góp phần giảm chi phi đầu tư Dự án. 

– Hiệu quả về xã hội: Mỗi thiết bị lọc bụi ESP cho một dự án nhà máy nhiệt điện có tổ máy khoảng 600 MW có tổng khối lượng khoảng 4500 tấn thiết bị sẽ tạo công ăn việc làm và mức thu nhập ổn định cho ít nhất 200 lao động. Như vậy, nếu chỉ tính tổng số 1/3 số nhà máy nhiệt điện (khoảng 20) theo Quy hoạch điện VII có hệ thống ESP được thiết kế, chế tạo tại Việc Nam sẽ tạo ra ít nhất 2000 công ăn việc làm góp phần tạo sự ổn định và cân bằng thu nhập cho người lao động.   

 

Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện

Cách tiếp cận thực hiện dự án KHCN đang thực hiện là ứng dụng kết quả KHCN trực tiếp vào dự án thực tế. Với cách tiếp cận như vậy đã gặp khó khăn như sau: thông thường các dự án đầu tư xây dựng mới thực hiện qua hình thức đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh thường đề ra yêu cầu đối với các nhà tham gia cung cấp phải có kinh nghiệm đã thực hiện hạng mục đăng ký tham gia ở dự án tương tự đã hoàn thành trước đó. Đây chính là rào cản đối với dự án KHCN áp dụng kết quả lần đầu tiên. Để giải quyết được rào cản này chỉ còn cách liên danh liên kết với nhà cung cấp nước ngoài có năng lực về vấn đề của dự án. Để được đối tác nước ngoài chấp nhận liên danh liên kết là một nhiệm vụ khó, thêm vào đó phạm vi công việc bao giờ cũng phải chia sẻ, trong đó có khả năng sẽ có những nội dung của dự án KHCN mặc dù có khả năng thực hiện được bằng năng lực trong nước nhưng vẫn không được quyền cung cấp. Vì vậy để hoàn thành nhiệm vụ tất cả các nội dung đã đăng ký của dự án KHCN phải được áp dụng từng phần ở các dự án ứng dụng khác nhau.

 

Dự án KH&CN: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW.

 

Tình hình triển khai Dự án

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến 2022 với mục tiêu mục tiêu làm chủ thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW theo Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để hoàn thành mục tiêu này, Dự án đã đồng thời triển khai các nội dung chính sau: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành 11 hệ thống thiết bị phụ sau: Hệ thống cung cấp than, Hệ thống khử lưu huỳnh, Hệ thống thải tro và xỉ, hệ thống cung cấp dầu, hệ thống thải khói, hệ thống xử lý nước và nước thải, hệ thống nước làm mát tuần hoàn, hệ thống sản xuất hydrogen, Trạm phân phối và máy biến áp chính, Hệ thống phòng cháy và chữa cháy và một nhiệm vụ xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình quản lý, tổ chức để thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện áp dụng cơ chế 1791.

 

Những khó khăn, vướng mắc

– Do là lần đầu tiên thực hiện thiết kế, chế tạo một hệ thống lớn, đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện, vì vậy cần có sự hỗ trợ từ nhà thầu nước ngoài trong công tác thiết kế cơ sở và chi tiết, quản lý chất lượng của các thiết bị. Đây chính là các phần việc hay xuất hiện các phát sinh trong quá trình thực hiện đòi hỏi có phần chi phí dự phòng lớn.

– Một số thủ tục hành chính còn rườm rà và một số quy định chưa sẵn có (định mức, đơn giá thuê chuyên gia nước ngoài cho Dự án KHCN), dẫn đến phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện có thể sẽ dẫn đến việc lệch pha trong việc giải ngân giữa Hợp đồng chính và Dự án KHCN.

– Thời gian để hoàn thành phê duyệt một dự án KHCN còn dài, còn nhiều thủ tục rườm rà dẫn đến sự lệch pha giữa dự án KHCN và Dự án sản xuất chính.

– Việc cấp kinh phí cần thực hiện kịp thời theo tiến độ đã được doanh nghiệp đề xuất.

– Việc áp dụng kết quả nghiên cứu của Dự án còn gặp nhiều khó khăn do: khó khăn trong thu xếp nguồn vốn và thay đổi cơ chế áp dụng tại các dự án nhiệt điện vì được Chính phủ cho phép chuyển sang cơ chế, chính sách đặc thù tại Quyết định 2414/QĐ-TTg.  

Đề xuất và kiến nghị

 

Để dự án KHCN đạt hiệu quả cao, đáp ứng được mục tiêu ban đầu đề ra, Viện Nghiên cứu Cơ khí xin có một số kiến nghị sau:

 

Về những vấn đề, nội dung khoa học và phát triển công nghệ cần được xem xét triển khai:

Đối với hệ thống ESP, việc nghiên cứu để có được một bộ dữ liệu về mức độ ảnh hưởng của từng loại tro, xỉ của than nhiên liệu là việc cần thiết và phải có thời gian để tích lũy qua nhiều dự án cụ thể. Do vậy đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho phần kinh phí cho phần công việc này

 

Về cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước

– Đối với dự án KHCN khả thi áp dụng đạt kết quả, Nhà nước nên áp dụng hình thức giao nhiệm vụ trực tiếp, có quy định các Chủ đầu tư tiếp nhận áp dụng. Có như vậy qua 2 đến 3 dự án đầu tiên được áp dụng thì các đơn vị thực hiện dự án KHCN mới có cơ sở về năng lực kinh nghiệm tham gia thầu. 

– Nhà nước xem xét, hỗ trợ các đơn vị thực hiện dự án KHCN trong trường hợp kết quả KHCN áp dụng vào các dự án BOT bằng cách giảm các loại thuế bằng không..

 

Về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện

– Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các dự án KHCN. Thời gian để phê duyệt một dự án KHCN từ khi đăng ký đến khi được phê duyệt đủ điều kiện để triển khai cần được quy định cụ thể không quá 3 tháng nhằm giảm thiểu ít nhất sự lệch pha trong quá trình triển khai dự án KHCN và Dự án sản xuất.

– Trong trường hợp dự án KHCN đã đủ các điều kiện để giải ngân mà kinh phí chưa được cấp. Để tránh không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng sản xuất, đề nghị cho phép doanh nghiệp thanh toán trước bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù sau.

– Đối với chi phí lương chuyên gia nước ngoài thực hiện dự án: Vì phần hỗ trợ của Nhà nước thưởng chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn bộ phần chuyên gia của Hợp đồng. Do vậy đề nghị duyệt kinh phí phần này cho phép khoán gọn để tránh các thủ tục xin hành chính khác làm ảnh hưởng tiến độ chung của dự án.