VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Thương hiệu NARIME với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

vpdt.vnptioffice.vn

Thương hiệu NARIME với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

17/01/2023

Trong hành trình phát triển hơn 60 năm qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) luôn khẳng định vai trò tiên phong thực hiện đường lối cơ khí hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng, Nhà nước và đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trở thành đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho sự phát triển ngành Cơ khí nước nhà. Viện đã tham gia và thực hiện thành công nhiều dự án, hợp đồng lớn với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Thương hiệu NARIME đã gắn liền với nhiều công trình trọng điểm của đất nước, góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

 

Hệ thống rô bốt bốc xếp hàng do NARIME thiết kế, tích hợp.

 

Thương hiệu có uy tín trong ngành Cơ khí

 

Với khả năng phân tích, đánh giá thị trường tốt; chuẩn bị năng lực bằng việc học hỏi, hấp thụ, làm chủ công nghệ; với tinh thần trách nhiệm cao, NARIME thật sự đã và đang là một thương hiệu uy tín trong việc thiết kế, xây dựng nhà máy, trong việc cung cấp dịch vụ thiết kế, cung cấp máy móc thiết bị mới, cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa cho các nhà máy, các công trình công nghiệp trong nước; một địa chỉ tin cậy để Chính phủ, các tập đoàn, các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài trao cho các dự án quan trọng; một doanh nghiệp có năng lực về công nghệ cao để các bạn hàng trong và ngoài nước tin tưởng liên danh, hợp tác thực hiện các dự án lớn, quan trọng và có độ phức tạp cao.

 

Về thủy điện, Viện đã tư vấn để Bộ Công Thương giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công theo Quyết định 797/CP-CN của Thủ tướng Chính phủ, trong đó NARIME ngoài tham gia chế tạo phải làm chủ được công tác thiết kế, Viện đã thuê các chuyên gia của Ukraina sang Việt Nam để thực hiện công tác thiết kế, đã cùng các doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam chế tạo, cung cấp thiết bị cho hơn 30 dự án thủy điện với giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng. Điều đáng nói, do làm chủ được thiết kế nên mặc dù một số dự án phải đấu thầu quốc tế, Viện và các doanh nghiệp Việt đã tham gia và thắng thầu các dự án này.

 

Về nhiệt điện, thực hiện Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (cơ chế 1791), Viện đã tham gia đấu thầu và trúng thầu nhiều gói thầu hệ thống thiết bị đồng bộ như lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống cung cấp than cho các dự án Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2. Chất lượng dịch vụ và máy móc thiết bị đã đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà thầu, chủ đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6% và chất lượng tương đương với các nước G7, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.

 

Về khai thác và chế biến khoáng sản, Viện đã tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 02 dự án Tân Rai và Nhân Cơ với công suất thiết kế 2 triệu tấn quặng tinh/năm. Trong đó, nổi bật là Viện đã thiết kế và chế tạo đồng bộ 02 tuyến băng tải với tổng chiều dài mỗi tuyến 5 km cho mỗi nhà máy. Hiện nay, các tuyến băng tải này đã bàn giao và đi vào vận hành đạt yêu cầu và được Chủ đầu tư cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Từ thành công của nhiệm vụ, các đơn vị trong nước tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ đã được các chủ đầu tư tín nhiệm, tiếp tục giao cho các dự án khác, như: Nhà máy tuyển quặng Bảo Lộc 200.000 tấn/năm, Nhà máy tuyển Lâm Đồng 1.700.000 tấn/năm, Nhà máy tuyển quặng Nhân Cơ 1.700.000 tấn/năm; v.v...

 

 

Hệ thống cung cấp than do NARIME thiết kế, chế tạo tại NMNĐ Sông Hậu 1.

 

Về công nghệ tự động hóa, Viện đã thiết kế tích hợp nhiều hệ thống DSC, PLC phức tạp cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, nhà máy sản xuất ô tô, xe máy, kho hàng thông minh với giá rất cạnh tranh. Việc làm chủ công nghệ tự động hóa giúp Viện có sức cạnh tranh rất tốt với các nhà thầu nước ngoài, giúp chủ đầu tư giảm đáng kể giá thành đầu tư cũng như sự phụ thuộc vào công ty nước ngoài.

 

Về công nghiệp ô tô, xe máy, Viện đã tập trung vào phần đòi hỏi bí quyết (know-how), công nghệ cao. Một trong những sản phẩm đó là đồ gá (JIG) hàn khung vỏ xe cho ô tô, để nắm bắt công nghệ Viện đã học hỏi, làm thuê cho Công ty SEG của Nhật để thiết kế đồ gá hàn các loại, qua quá trình làm việc với SEG, các kỹ sư của Viện đã nắm bắt được công nghệ thiết kế, sau đó Viện đã được Công ty SEG đặt hàng một số cụm chi tiết từ đơn giản đến phức tạp. Đến nay, sau hơn 10 năm kể từ ngày thiết kế thuê cho SEG, Viện đã có thể làm chủ việc thiết kế, chế tạo JIG các loại, sản phẩm JIG của Viện đã được cung cấp để chế tạo các loại thân vỏ xe cho các hãng xe trong và ngoài nước, điển hình là thiết kế, chế tạo, cung cấp JIG cho Vinfast.

 

Đồ gá hàn khung vỏ ô tô

 

Về lĩnh vực năng lượng mới và công nghệ cao, Viện đã thành công trong thực hiện trọn gói hệ thống phao nổi và neo dự án điện mặt trời Đa mi với tổng công suất 47,5 MW, đã phát điện thương mại ngày 01 tháng 06 năm 2019. Viện đang xây dựng, triển khai phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0, trọng tâm là các dây chuyền sản xuất, các kho chứa thông minh tự động hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển chung của các ngành công nghiệp.

 

Ngoài ra, Viện còn cung cấp máy móc thiết bị và dịch vụ kỹ thuật phục vụ bảo hành, bảo trì các nhà máy nhiệt điện, xi măng, nhà máy giấy, chế biến gỗ, các sản phẩm và dịch vụ của Viện được khách hàng đánh giá cao. Đơn cử, Hợp đồng mở rộng trạm phân phối xi măng Hiệp Phước cho Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (Công ty Liên doanh với Nhật), để đảm bảo sản xuất liên tục, khi kết nối hệ thống điều khiển tự động DCS, cán bộ, kỹ sư của Viện đã làm việc liên tục các ngày nghỉ tết âm lịch giúp công ty duy trì được sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với tính trách nhiệm cao như vậy, Viện luôn được Công ty Xi măng Nghi Sơn đánh giá cao và liên tục nhận đơn hàng trong hơn hai chục năm qua.

 

Mới đây nhất, Viện đã thực hiện dịch vụ cân bằng động cho tua bin khí của Công ty DAP 1, DAP 2 với giá thành chưa bằng 1 phần 10 giá thành chào hàng từ công ty Đức nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn, thời gian thi công ngắn hơn, do vậy các công ty DAP1, DAP2 giảm được nhiều thời gian sửa chữa và chi phí bảo trì thiết bị.

 

Tiếp tục toả sáng với khát vọng lớn lao

 

Trong hành trình mới, ở kỷ nguyên của công nghiệp 4.0, khi mà công nghiệp cơ khí gắn liền với điện tử, tin học, NARIME sẽ chú trọng và kế thừa có chọn lọc các kết quả, kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, đồng thời nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ (KHCN) mới để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của ngành cơ khí - tự động hóa trong tiến trình hội nhập. Lãnh đạo Viện đã và đang có những điều chỉnh chiến lược, sách lược, tiếp tục chuẩn bị năng lực để đáp ứng các chương trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

 

Theo TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng NARIME cho biết, định hướng phát triển NARIME đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đơn vị tư vấn độc lập hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế, đủ năng lực lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công cho các dự án công nghiệp chuyên ngành thuộc thế mạnh của Viện như các dây chuyền chế tạo và lắp ráp cơ khí, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, chế biến khoáng sản, hoá chất, xử lý môi trường, các hệ thống tự động hóa trong công nghiệp, nhà kho thông minh…. Viện đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM hoặc Chìa khoá trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước thuộc thế mạnh của Viện.

 

Hệ thống phao nổi Dự án điện mặt trời Đa Mi do NARIME cung cấp.

 

Để xây dựng NARIME đáp ứng yêu cầu trên, Viện tập trung vào một số chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ. Cụ thể, trong lĩnh vực nhiệt điện, sẽ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy nhiệt điện than, điện khí và chương trình nâng cấp, cải tạo các nhà máy nhiệt điện cũ phù hợp với điều kiện môi trường mới. Đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Viện sẽ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị cho nhà máy xi măng, các nhà máy nhiệt điện dư trong các nhà máy xi măng, thiết bị kho xi măng. Trong lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, sẽ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy nhiệt điện than, điện khí và chương trình nâng cấp, cải tạo các nhà máy nhiệt điện cũ phù hợp với điều kiện môi trường mới. Lĩnh vực khai thác và chế biến bô xít, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản. Nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; lĩnh vực xử lý rác, phát điện từ rác và sinh khối, rô bốt công nghiệp, ứng dụng rô bốt vào các dây chuyền sản xuất, sản phẩm công nghệ 4.0.

 

Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các Tổ chức KHCN theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, NARIME đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn chuyển mình. Để phù hợp với xu thế phát triển chung và bắt kịp xu hướng CMCN 4.0, định hướng phát triển giai đoạn tới của Viện sẽ được cụ thể hoá thành những giải pháp, hành động cụ thể, xây dựng bản sắc, phát triển thương hiệu NARIME. Phát triển Viện trên cơ sở thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chủ yếu: Tập trung xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao trình độ KHCN và khẳng định vị thế khoa học của Viện trong khu vực và trên thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn các đề tài nghiên cứu KHCN với nhiệm vụ thực hiện các hợp đồng kinh tế của Viện, từ đó tạo ra các sản phẩm truyền thống cho Viện trong thời gian tới; nghiên cứu, phát triển các hệ thống thiết bị đồng bộ cho ngành công nghiệp trong nước, đồng thời nghiên cứu các giải pháp thay thế cho các dây chuyền thiết bị hiện hữu trong các ngành công nghiệp.

 

Với những điều chỉnh thích hợp như vậy, chắc chắn lãnh đạo NARIME sẽ đưa thương hiệu NARIME ngày càng tỏa sáng hơn, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế./.

 

Nguồn: Tạp chí Cơ khí Việt Nam