VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ (NARIME) - SỨC MẠNH NỘI LỰC

vpdt.vnptioffice.vn

VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ (NARIME) - SỨC MẠNH NỘI LỰC

VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ (NARIME) thoạt nghe tên cứ nghĩ đây chỉ là đơn vị nghiên cứu đơn thuần, suốt ngày chỉ viết lách, vẽ vời, mọi người thường đeo kính trắng, trầm ngâm, ít nói, mang dáng dấp Hàn lâm, sản phẩm có thể là những tập tài liệu dày cộm, mà người đời thường ít đọc, mà có đọc thì mấy khi hiểu. Nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu thì thật bất ngờ với những gì mắt thấy, tai nghe. Tôi xin mạo muội đề cập đến 2 vấn đề:

 

1- Nội lực của NARIME:

 

Sau một thời gian đầu thành lập và hoạt động, công việc chỉ nghiên cứu một số lĩnh lực về cơ khí, trong đó có kết quả là chế tạo máy cày, rồi máy bơm nước, kết quả ứng dụng chưa nhiều, mọi người làm việc vẫn thụ động, giao việc gì làm việc đấy, cuối năm tổng kết, đánh giá khen chê vừa phải, ai ai cũng thấy mình có đóng góp, nhưng thành tích còn ở mức khiêm tốn.

 

Từ khi cụ GS.TSKH Hàn Đức Kim nghiên cứu và đề xuất lên cấp trên cho “cơ chế tự chủ”, thì cán bộ công nhân viên năng động, sáng tạo hẵn lên, họ chủ động đi tìm đề tài nghiên cứu và ứng dụng giúp cho một số đơn vị sản xuất.

 

Đến thế hệ kế tiếp đã tạo ra bước nhảy vọt về tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị trong Viện, phát huy tối đa năng lực của từng người, hợp tác chặt chẽ với các cơ sở cơ khí thành những đơn vị hợp tác hỗ trợ, sau khi nghiên cứu, thiết kế, xây dựng mô hình, thì đưa vào chế tạo thử, liên hoàn, không phải cái gì cũng phải đầu tư, mà họ biết tận dụng năng lực của đơn vị bạn để cùng phối hợp, làm ra sản phẩm tốt nhất, kinh tế nhất, 2 bên cùng có lợi.

 

Tôi lân la tìm hiểu người tạo ra bước nhảy vọt toàn diện về tinh thần, vật chất, trách nhiệm, sáng tạo cho mỗi người trong Viện, mà mọi người thường ngưỡng mộ nhắc tên, đó là ông Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Chỉ Sáng, ông có đôi mắt sáng, toát lên vẻ tự tin, do suy nghĩ nhiều, tìm hướng đi tốt cho đơn vị, có lẽ vì thế mà tóc ông bạc trắng từ rất sớm, tuy đã nghỉ hưu nhưng lòng đam mê với ngành cơ khí, ông vẫn tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam.

 

Đến nay Viện đang phát triển mạnh mẽ, năng động, dám xông vào nhiều lĩnh vực mới, từ người Viện trưởng cho đến từng kỹ sư, họ vừa là nhà nghiên cứu, vừa nhà thiết kế, vừa chế tạo, trên công trường họ là người thi công, hoặc giám sát lắp đặt, đào tạo, chuyển giao công nghệ, họ làm việc hăng say, không kể ngày đêm, làm cho đến khi xong công việc. Tác phong làm việc năng nổ như thế này rất khó tìm thấy ở các nhà thầu EPC nước ngoài. Các đơn vị của Viện được quyền chủ động tổ chức công việc, được quyền mua sắm nhiều loại vật tư phục vụ công việc, cuối cùng, việc quan trọng nhất là phải đạt hiệu quả cao, trách nhiệm luôn đi đôi quyền lợi. Đây là công thức tuyệt vời đối với người lao động. Đây cũng chính là sức mạnh nội lực của NARIME.

 

2 - Nội lực trong nước:

 

Dựa vào chủ trương của Chính Phủ về phát triển cơ khí, sự chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện thuận lợi của Bộ Công Thương cho các Viện hoạt động.

 

Với sự nhạy bén, NARIME tiến quân vào nghiên cứu chế tạo các sản phẩm của nhiều lĩnh vực mà tôi không ngờ đến.

 

Đối với lĩnh vực năng lượng, Viện đã trực tiếp nghiên cứu, chế tạo và cung cấp thiết bị cơ khí thủy công cho 18 nhà máy thủy điện trong đó có nhà máy thuỷ điện Sơn La và Lai Châu đã đưa vào vận hành hơn 10 năm nay rất ổn định; chế tạo và lắp đặt đường ống áp lực cho nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng, với cột nước tính toán là 938,2m, cột áp79,9kg/1cm2, đấy là áp lực rất lớn, ít có loại đường ống áp lực cao như thế này trên thế giới, đòi hỏi ống thép phải dày, thợ hàn tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, kết cấu chân móng và ống phải vững chắc, chịu được lực cắt, lực va đập mạnh khi đóng mở nước, có sức bền vật liệu cao và lâu dài mới đảm bảo chất lượng, an toàn cao nhất.

 

Bắt kịp với xu thế mới về năng lượng tái tạo đang bùng nổ, Viện đã đầu tư nhà máy sản xuất phao lắp các tấm pin nổi trên mặt nước và 1 số thiết bị cho các nhà máy điện mặt trời được khách hàng tín nhiệm.

 

Phối hợp với các đơn vị Nhật Bản, Nga nghiên cứu chế tạo bộ lọc bụi tỉnh điện đạt tiêu chuẩn châu Âu, chế tạo thiết bị cung cấp than, thiết bị, băng thải tro và xỉ than cho các nhà máy nhiệt điện, thiết bị, tủ điều khiển điện lực, mà trước đây Việt Nam phải bỏ ngoại tệ ra mua của nước ngoài.

 

Nghiên cứu chế tạo thành công các thiết bị và băng tải dài trên 5km cho các nhà máy Bôxít Tân Rai và Nhân Cơ theo phương thức EPCM, tiết kiệm nhiều ngoại tệ cho đất nước.

 

Nghiên cứu chế tạo thành công, đưa vào sử dụng thiết bị phân loại hàng hóa trong ngành Logistics, giảm số lượng lao động rất lớn.

 

Nghiên cứu, chế tạo các loại phụ tùng cho xe máy và ô tô và nhiều sản phẩm có giá trị khác.

 

Đến nay NARIME là đối tác đáng tin cậy của Honda, Toyota, Doosan, EVN, TKV, Vingroup…

 

Vài năm gần đây tuy chịu hậu quả nặng nề của COVID, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phá sản, nhưng NARIME với sức vươn lên mạnh mẽ, liên tục mở rộng hợp tác, nghiên cứu đa dạng các lĩnh vực, làm nhiều dự án có giá trị kinh tế lớn, doanh thu bình quân mỗi năm trên nghìn tỷ đồng, là một nỗ lực rất lớn đối với một đơn như NARIME.

 

Trao đổi với Tiến sỹ Phan đăng Phong, Viện trưởng, tuy còn trẻ, nhưng anh có lối suy nghĩ của người luôn có chí vươn lên, lúc nào cũng đau đáu tìm đề tài, dự án mới, mở rộng năng lực của NARIME, anh luôn khát vọng cùng với các đơn vị đưa ngành Cơ khí Việt Nam lên tầm cao mới, anh nói Chính Phủ đã có Nghị định phát triển Cơ khí Việt Nam, Bộ Công Thương rất quan tâm tạo điều kiện, như vậy có lối đi rõ ràng, những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam kiên quyết tách những gói thầu có thể chế tạo trong nước ra khỏi các dự án EPC, như EVN, TKV đã thực hiện để giao lại cho các đơn vị trong nước làm, vừa giảm giá thành (theo tính toán giá nhập ngoại 4USD/ kg, sản xuất trong nước 1,5USD/ 1kg, với những dự án lớn, phần gia công được trong nước lên đến cả một vài nghìn tấn thì tiết kiệm hàng triệu USD).

 

Đấy là cách làm hay, có lợi cho đất nước, hầu hết các công trình, trừ những thiết bị hiện đại, quan trọng Việt Nam chưa sản xuất được thì nhập khẩu, còn lại là những cấu kiện sắt thép, thiết bị phi tiêu chuẩn và toàn bộ việc xây dựng nên và rất nên để cho các đơn vị trong nước làm, cách làm này được chứng minh qua công trình thủy điên Sơn La to nhất và hiện đại đã thành công hoàn toàn (EVN đã giao cho đơn vị tư vấn của EVN khảo sát thiết kế, thuê tư vấn nước ngoài thẩm định, giao phần cơ khí thủy công cho các đơn vị trong nước thực hiện và đương nhiên toàn bộ công việc xây dựng thì tổ hợp nhà thầu Việt Nam đã làm rất tốt).

 

Thiết nghĩ những công trình như đường ống dẫn dầu, dẫn khí, các dàn khoan, các công trình xây dựng nhà máy xi măng, hóa chất, nhà máy thép, nhà ga bến cảng, v.v…cần dành nhiều hạng mục cho ngành cơ khí trong nước thì công. Rất mong các cơ quan cấp trên chỉ đạo thực hiện theo phương thức trên thì các nhà thầu Việt Nam trước đây làm thầu phụ, có điều kiện nhanh chóng trở thành nhà thầu chính.

 

Thành quả mà NARIME có được chính là nhờ cơ chế thông thoáng, tôi thấy thấp thoáng đâu đấy dáng dấp khoán 10 của bác Kim Ngọc năm xưa với hạt lúa, củ sắn, củ khoai, nay đang lan tỏa vào lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo cơ khí, trở thành động lực mạnh mẽ trong NARIME.

                                                                                                           

Nguồn: Bài viết đăng trên Facebook của nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN

Link:  https://www.facebook.com/profile.php?id=10001101175685