VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Viện Nghiên cứu Cơ khí: 60 năm xây dựng và trưởng thành

vpdt.vnptioffice.vn

Viện Nghiên cứu Cơ khí: 60 năm xây dựng và trưởng thành

Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) tiền thân là Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí được thành lập ngày 06/7/1962. Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, NARIME đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong suốt hành trình ấy, Viện luôn khẳng định vai trò tiên phong thực hiện đường lối cơ khí hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng – Nhà nước và đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trở thành đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hoá, có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho sự phát triển ngành Cơ khí nước nhà.

 

Narime đã thành công trong việc thực hiện trọn gói Hệ thống phao nổi và neo Dự án điện mặt trời Đa Mi.

1.Đổi mới để phát triển

Thời kỳ đầu mới thành lập, NARIME đã không ngừng đổi mới, vươn lên, góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của ngành Cơ khí. Khi ấy, ngành Cơ khí nước ta còn lạc hậu, máy móc thiết bị cũ kỹ, chất lượng sản phẩm thấp, Viện xác định mục tiêu đưa các công nghệ cơ bản tiên tiến, thích hợp thay thế cho các công nghệ lạc hậu áp dụng vào trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí có tính cạnh tranh trên thị trường trong nước.

Theo thời gian, các đề tài gắn liền với sản xuất, xuất phát từ yêu cầu của sản xuất nên bước đầu phục vụ có hiệu quả cho các ngành kinh tế. Qua mỗi đề tài, mỗi công trình nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện được trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp. Từ đó, xuất hiện nhiều kỹ sư, chuyên gia giỏi trong một số lĩnh vực như thiết bị xi măng, sản xuất giấy, sợi và dệt, chế biến chè, sản xuất đường mía, bia, công nghệ hàn tự động, gia công biến dạng, phục hồi các chi tiết lớn, …

Giai đoạn đầu của thời kỳ xã hội chủ nghĩa, các viện hoạt động theo đơn hàng của Chính phủ, Bộ, Ngành để nghiên cứu làm chủ những vấn đề khoa học công nghệ cần thiết, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã thiết kế và chế tạo thành công các nhà máy chế biến mía đường, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các loại máy kéo, máy chế biến chè, động cơ diezen, động cơ xăng cho máy nông nghiệp, động cơ thủy cho tàu thuyền.

Giàn khoan Tam Đảo 03 do NARIME và PVSHIPYARD thiết kế, chế tạo.

Trong cơ chế thị trường, Viện hoạt động theo mô hình tổ chức khoa học và công nghệ công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên, chi đầu tư. Viện đã làm tốt công tác tư vấn cho Bộ chủ quản trong định hướng phát triển một số lĩnh vực cơ khí, xây dựng chiến lược, qui hoạch phát triển ngành Cơ khí. Bên cạnh đó, Viện còn tập trung nghiên cứu các công nghệ mũi nhọn như gia công áp lực, công nghệ hàn, chế tạo thiết bị đồng bộ và phụ tùng thay thế hàng nhập từ nước ngoài cho các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, dệt may, giấy, giao thông vận tải, phân bón hóa chất…

Tiếp nối thành công, từ sau năm 2002, Viện tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ truyền thống, triển khai chương trình khoa học và công nghệ, nội địa hóa các hệ thống, thiết bị nhà máy công nghiệp; tập trung nghiên cứu, làm chủ công tác tư vấn, thiết kế, chế tạo, lắp đặt thiết bị cho các lĩnh vực, như thủy điện, nhiệt điện, bô xít, năng lượng mới, tự động hóa, công nghiệp ô tô, xe máy. Đặc biệt, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) trên thế giới diễn ra mạnh mẽ, kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng, Viện đẩy mạnh các hoạt động xây dựng năng lực tư vấn, thiết kế và chế tạo thiết bị công nghệ phức tạp cho các dây chuyền thiết bị đồng bộ của một số ngành được ưu tiên phát triển, tạo năng lực cho chính mình và nhiều đơn vị vươn tới đảm nhận được vị trí tổng thầu các dự án chế tạo thiết bị đồng bộ; mở ra một hướng đi mới trong các hoạt động của Viện và tác động tích cực tới sự phát triển của ngành Cơ khí. Viện đã chủ động, tích cực đảm nhận những công trình có ý nghĩa chính trị, kinh tế to lớn, như thủy điện, nhiệt điện, giàn khoan dầu khí, khai thác khoáng sản, năng lượng mới, công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô, các hệ thống kho tự động… Qua đó, góp phần chủ động trong quá trình đầu tư và làm giảm đáng kể giá thành đầu tư, đem lại lợi ích trực tiếp, gián tiếp cho đất nước. 

2. Đi đầu về công nghệ

Từ một đơn vị thiết kế, giai đoạn đầu chỉ là cung cấp thiết kế để chế tạo một số công cụ sản xuất, lấy mẫu một số máy công cụ, động cơ điện, máy bơm nước phục vụ nông nghiệp…, sau đó cao hơn là lấy mẫu để chế tạo một số thiết bị, dây chuyền thiết bị cơ khí cho ngành dệt, cho các nhà máy mía đường, nhà máy xi măng lò đứng, đến nay, Viện đã phát triển vượt bậc, được đánh giá là tổ chức nghiên cứu khoa học hàng đầu, đủ năng lực đảm nhận tư vấn, thiết kế, năng lực tổng thầu những công trình lớn cho các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước. NARIME đã góp phần cùng ngành Cơ khí Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong chương trình nội địa hóa thiết bị cho các ngành công nghiệp. Viện đã đi đầu về công nghệ và hoàn toàn làm chủ thiết kế thiết bị cơ khí thủy công, cung cấp cho hàng chục công trình thủy điện, trong đó có 02 dự án lớn nhất Việt Nam là thủy điện Lai Châu công suất 1200 MW và thủy điện Sơn La công suất 2400 MW. Sự thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành Cơ khí trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.

Viện cũng đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị lọc bụi tĩnh điện, thiết bị thải tro xỉ, thiết bị bốc dỡ và vận chuyển than, thiết bị khử lưu huỳnh… cho các nhà máy: nhiệt điện, xi măng, luyện thép có lưu lượng phát thải bất kỳ. Trong đó, có các dự án nhiệt điện Vũng Áng 1; nhiệt điện Thái Bình 1 và dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, Nghi sơn 2. Đặc biệt dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6% tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7 là dự án đầu tiên của Việt Nam, mở ra hướng phát triển mới cho ngành Cơ khí chế tạo trong nước. Sự thành công ở các dự án này mở đầu cho việc thiết kế, chế tạo hàng loạt thiết bị khác cho các dự án nhiệt điện đang và sẽ được đầu tư. Hiện tại, Viện đã được Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tin tưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống thải tro xỉ cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 và dự kiến tiếp tục được  thực hiện hợp đồng cung cấp hệ thống cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 trong năm 2022.

Trong ngành công nghiệp bô xít, Viện đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cho 02 dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ với hệ thống vận chuyển băng tải đồng bộ cùng chiều dài 4,9km, công suất 720 tấn/h và tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 02 dự án, khẳng định khả năng có thể đảm nhận vai trò tổng thầu trong đầu tư mở rộng, đầu tư mới các dự án tương tự.

Hiện nay, Viện cũng là đơn vị có uy tín tại Việt Nam trong lĩnh vực tích hợp hệ thống, tính toán, thiết kế, viết chương trình điều khiển, cung cấp, đào tạo, đưa vào vận hành nhiều hệ thống tự động hóa cho các công đoạn hay toàn bộ nhà máy giấy, xi măng, thủy điện và nhiệt điện. Thế mạnh của Viện còn được thể hiện ở một số nghiên cứu khác như chuẩn đoán, giám sát tích cực chi tiết quay công trình công nghiệp; thiết kế chế tạo dây chuyền lắp ráp và khuôn mẫu, đồ gá cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy; thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời nổi; làm chủ công nghệ xử lý rác thải và phát điện từ rác thải…

Hệ thống robot bốc xếp hàng do Narime cung cấp.

Thực hiện phương châm gắn chặt các hoạt động nghiên cứu với các chương trình kinh tế xã hội, trung bình mỗi năm Viện thực hiện khoảng 7 đến 12 đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, cùng hàng trăm công bố khoa học trong và ngoài nước. Các đề tài do Viện thực hiện đã đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, chủ động trong kế hoạch sản xuất. Rất nhiều đề tài sau khi thực hiện triển khai áp dụng vào các công trình, nhà máy, cơ sở sản xuất có hiệu quả lớn và được đánh giá cao…

Để tiếp cận gần hơn với CMCN 4.0, Viện đã thành lập nhóm nghiên cứu các sản phẩm liên quan đến rô bốt và công nghệ cao, tiến tới làm chủ công nghệ trong các hệ thống sản xuất tự động, linh hoạt và hệ thống kho chứa thông minh ngành công nghiệp. Viện đã có sản phẩm kho chứa tự động cung cấp cho nhà máy LIX với năng suất 400 tấn/ giờ.

3. Tiềm lực vững vàng

Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học, với các kết quả nghiên cứu được đưa vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động của Viện đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Viện đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ chủ quản tặng nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Ba, và nhiều Bằng khen, Giấy khen…

Bên cạnh đó, Viện còn thực hiện tốt nhiệm vụ đề xuất xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển, môi trường, biên soạn và xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia..., được Bộ Công Thương, các chuyên gia trong và ngoài Bộ đánh giá cao, làm cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn cho định hướng hoạt động công tác quản lý ngành Công Thương như “Điều tra khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm của Chính phủ. Đề xuất giải pháp phát triển phù hợp trong quá trình Việt Nam hội nhập WTO”, “Nghiên cứu nội dung và tiêu chuẩn năng lực của các đơn vị đáp ứng yêu cầu của tổng thầu EPCM cho các công trình công nghiệp”,…

Là đơn vị hoạt động đa dạng nhiều lĩnh vực công nghệ, Viện có nhiều kinh nghiệm và công nghệ mũi nhọn, nổi trội được áp dụng vào sản xuất, vào các ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế quốc dân, tạo được sự tin tưởng của khách hàng. Với lợi thế đó, Viện đã trở thành môi trường đào tạo nguồn cán bộ cho đất nước; nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, nhà máy cơ khí đã được hình thành từ các đơn vị của Viện. Hiện nay, Viện có 15 đơn vị chuyên môn trực thuộc nghiên cứu, thiết kế, tư vấn các chuyên ngành khác nhau, với hơn 400 cán bộ khoa học kỹ thuật. Cán bộ công nhân viên (CBCNV) NARIME không chỉ am hiểu tường tận năng lực chế tạo của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, mà còn có bước tiến nhảy vọt trong công tác nghiên cứu thiết kế và đủ năng lực vươn tới làm tổng thầu EPCM cho nhiều lĩnh vực; có khả năng khai thác và gắn kết các doanh nghiệp trong quan hệ phân công, hợp tác sản xuất; có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài để khai thác thị trường và nhận chuyển giao công nghệ.

Trạm hàn các phần Sub của khung xe ô tô điện 5 chỗ ngồi do Narime thiết kế, chế tạo cung cấp cho Nhà máy ô tô VINFAST.

Đến nay, Viện đã là đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Doosan,… cũng như các tập đoàn trong nước như EVN, TKV, VinGroup… Một số sản phẩm, giải pháp của Viện đã trực tiếp cạnh tranh và thắng thầu các công ty lớn của nước ngoài mà trước đó Viện tham gia làm thầu phụ.

4. Sẵn sàng tiến bước

Để phù hợp với xu thế phát triển chung và bắt kịp xu hướng CMCN 4.0, định hướng phát triển giai đoạn tới của Viện sẽ được cụ thể hoá thành những giải pháp, hành động cụ thể, đó là: Phát triển các hệ thống rô bốt, hệ thống kho chứa thông minh ứng dụng trong lĩnh vực kho chứa hàng công nghiệp cho ngành công nghiệp; làm chủ hoàn toàn công nghệ chế biến bô xít nhôm (áp dụng cho các nhà máy alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ); đưa hệ thống phao và neo cho nhà máy điện mặt trời là mặt hàng truyền thống; chế tạo đồng bộ hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro, xỉ, hệ thống cung cấp than, hệ thống khử lưu huỳnh cho các nhà máy nhiệt điện và đây cũng là các sản phẩm truyền thống của Viện. Cùng với việc giữ vững vai trò trong thiết kế, chế tạo các thiết bị truyền thống cho ngành công nghiệp xi măng, hóa chất, thủy điện, dầu khí, khai khoáng,..; thiết kế, chế tạo dây chuyền lắp ráp, khuôn mẫu, đồ gá cho ngành ô tô, xe máy; làm chủ công nghệ thiết bị năng lượng mới, năng lượng tái tạo, Viện tiếp tục duy trì và phát triển các quan hệ hợp tác nghiên cứu, sản xuất với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong và ngoài nước để phát triển hoạt động tư vấn, thiết kế, chuyển giao công nghệ, sản xuất thiết bị, phụ tùng… tiến tới trở thành nhà thầu EPC, EPCM có uy tín trong nước và khu vực.

Máy bốc dỡ than (Ship unloader) năng suất 850 tấn/h - Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 do Narime cung cấp.

Với kinh nghiệm truyền thụ lại của các thế hệ đi trước, cùng sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể CBCNV, NARIME sẽ luôn sáng tạo và phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn vào các chương trình phát triển kinh tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng là Viện đầu ngành về Cơ khí - Tự động hoá.

TS. Phan Đăng Phong - Bí thư Đảng ủy

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí

Nguồn: Tạp chí Cơ khí Việt Nam