Cùng với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương trong quá trình tái cơ cấu các viện, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự cố gắng của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu thuộc Bộ được kỳ vọng trong những năm tới sẽ trở thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu ngành trong các lĩnh vực.
Giảm nhập siêu hàng triệu USD
Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý 13 viện bao gồm cả 2 viện đã thực hiện cổ phần hóa. Mỗi viện đều có phạm vi, lĩnh vực hoạt động tương đối chuyên biệt, độc lập trong một lĩnh vực công nghiệp cụ thể và có những vai trò, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của các ngành công nghiệp trong nước.
Đường ống áp lực cao (890m) tại thủy điện Đa Nhim mở rộng lần đầu được thực hiện tại Việt Nam
Với phương châm gắn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu thị trường, các viện đã có góp phần tích cực vào quá trình đổi mới, nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương. Nhiều công trình nghiên cứu đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất – kinh doanh ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty giúp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo tiền đề để tổ chức chủ trì tiếp tục phát triển nguồn lực nghiên cứu KH&CN.
TS. Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí dẫn chứng, trong lĩnh vực tự động hóa phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã tập trung vào hướng nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong các dây chuyền sản xuất thông minh tại các nhà máy sản xuất ô tô, xe máy, hóa chất. Gần đây, là việc thành công trong nghiên cứu và làm chủ công nghệ một số dự án lớn như: Dây chuyền sản xuất lắp vành xe máy tự động cho công ty sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam, dây chuyền đồ gá hàn robot và lắp ráp cho dòng xe con – SUV và dây chuyền đồ gá hàn và lắp ráp thân vỏ xe bus điện cho Vinfast, dây chuyền sản xuất tự động tại Công ty LIX…
“Viện đã từng bước khẳng định mình trong lĩnh vực sản xuất thông minh, góp phần giảm giá thành sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các chủ đầu tư, chủ động trong thay đổi công nghệ sản xuất khi có các yêu cầu phát sinh, tạo công ăn việc làm ổn định cho Viện khoảng 200 tỷ một năm riêng trong lĩnh vực này” – TS. Phan Đăng Phong thông tin.
Trong lĩnh vực nhiệt điện, thành công của các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành các hệ thống thiết bị phụ chạy đốt than có công suất tổ máy khoảng 600 MW cũng đã tạo ra được một số sản phẩm truyền thống như hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ và hệ thống lọc bụi tĩnh mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội lớn. Điều này tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước, giảm ít nhất 10% giá thành sản phẩm so với thiết bị nhập khẩu cùng loại và giảm nhập siêu hơn 100 triệu USD cho một công trình nhiệt điện than công suất 1200 MW.
TS. Đào Duy Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim cho hay, những năm gần đây, Viện đã thực hiện hàng trăm nhiệm vụ nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị; tư vấn đổi mới công nghệ; tư vấn lập và phát triển các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, đóng góp tích cực cùng toàn ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam từng bước chuyển đổi công nghệ, thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Cụ thể, một số công trình khai thác, chế biến khoáng sản lớn của Việt Nam phát triển những năm gần đây với sự tham gia của Viện đã đóng góp cho sự đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, thiết bị như: Nhà máy tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, tỉnh Lào Cai công suất 1 triệu tấn/năm; Nhà máy tuyển nổi quặng đồng Sin Quyền số 2 công suất 1,4 triệu tấn/năm tại tỉnh Lào Cai; Nhà máy nghiền zircon siêu mịn công suất 36 ngàn tấn/năm tại tỉnh Bình Thuận…
Hay, trong lĩnh vực công nghiệp giấy, các đề tài do Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã phối hợp với các đơn vị thực hiện mang lại hiệu quả cao như: Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam; nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn – xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue đã thực sự tạo ra các sản phẩm KH&CN đáp ứng được một phần yêu cầu phát triển ngành, giúp tiết kiệm năng lượng, hóa chất, bảo vệ môi trường và góp phần giảm nhập siêu.
Đòn bẩy cho phát triển
TS. Phan Đăng Phong nhận định, những thành công trên của các viện nghiên cứu có được ngoài nỗ lực của bản thân các viện, thì nhân tố quan trọng là định hướng của Chính phủ, bộ, ngành. Vì nếu không có định hướng của Chính phủ về nội địa hóa và không có các đề tài nghiên cứu làm chủ KH&CN do Bộ KH&CN và Vụ KH&CN, Bộ Công Thương hỗ trợ thì chắc các viện sẽ rất khó khăn để có được những thành công kể trên.
Hệ thống robot bốc xếp hàng do Viện Nghiên cứu Cơ khí cung cấp
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng nêu thực trạng, mặc dù các đơn vị nghiên cứu của Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc nội địa hóa, làm chủ công nghệ nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp vẫn đang phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài, dẫn đến tỷ trọng trong nước thực hiện còn rất thấp, đạt không quá 20%, chủ yếu tập trung ở những sản phẩm đơn giản không tạo ra giá trị thặng dư cao.
Trong khi đó, trong những năm tới, theo quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp điện, dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, giấy, sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, dung lượng thị trường để phát triển thiết bị cơ khí còn rất lớn, đặc biệt là các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp trong nước. Đây là cơ hội để phát huy tiềm lực nghiên cứu trong nước.
“Trong việc phát triển các thiết bị nhà máy nhiệt điện, rất cần một chính sách quyết liệt của nhà nước để bảo vệ thị trường cho ngành cơ khí trong nước, như khi xem xét để giao các đơn vị làm chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện than (bao gồm cả các dự án BOT) cần kèm theo cam kết về việc bắt buộc các hạng mục sau phải được thực hiện trọn gói trong nước: Hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro và xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống nước làm mát tuần hoàn, trạm phân phối và máy biến áp chính” – TS. Phan Đăng Phong nêu.
Mặt khác, để phát huy vai trò nòng cốt trong mạng lưới tổ chức KH&CN ngành Công Thương, chiến lược phát triển của các viện những năm tới cần xây dựng phù hợp với định hướng phát triển và mục tiêu tái cơ cấu của từng ngành cũng như phù hợp với Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, trọng tâm là xây dựng các viện nghiên cứu triển khai đủ mạnh có công nghệ nguồn tương ứng với từng lĩnh vực công nghiệp và đủ khả năng hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội lớn của đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
“Cùng với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương trong quá trình tái cơ cấu các viện nghiên cứu thuộc Bộ, sự đồng hành của các trường đại học, doanh nghiệp cơ khí trong nước và sự cố gắng của các nhà khoa học, chúng tôi tin tưởng rằng các viện nghiên cứu trong những năm tới sẽ trở thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu ngành trong các lĩnh vực mình phụ trách, góp phần vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước” – TS Phong bày tỏ.
Ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng chia sẻ, trong 5 năm gần đây, Viện Năng lượng đã triển khai thực hiện và hoàn thành 51 đề tài, các nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp viện… Các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát mục tiêu phát triển ngành, mang lại những hiệu quả nhất định, đóng góp vào định hướng phát triển, quản lý vận hành, sản xuất và kinh doanh của ngành năng lượng điện.
Tuy nhiên, do Viện Năng lượng phải chủ động toàn bộ chi thường xuyên, nên công tác đầu tư, nâng cấp phòng thí nghiệm, mua sắm thiết bị, phần mềm tính toán và đào tạo nhân lực… còn gặp nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tiễn của Viện. “Viện sẽ gặp khó khăn trong quá trình phát triển nếu thiếu sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan” – ông Lê Việt Cường nói.
Cũng theo ông Lê Việt Cường, các cơ chế, chính sách cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và mô hình mô hình tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên nói riêng thực hiện theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan còn hạn chế về tính đồng bộ, thống nhất và thiếu các quy định về tính đặc thù, dẫn tới hạn chế tính tự chủ, chủ động của viện.
Theo Báo Công Thương