VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Nghiệm thu 2 đề tài khoa học về chế tạo thiết bị phụ cho nhà máy nhiệt điện than

vpdt.vnptioffice.vn

Nghiệm thu 2 đề tài khoa học về chế tạo thiết bị phụ cho nhà máy nhiệt điện than

4/10/2022

Chiều 4/10, tại Bộ Công Thương, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đã nghiệm thu hai đề tài khoa học về chế tạo thiết bị phụ cho nhà máy nhiệt điện than.

 

Cụ thể, Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải khói cho các nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) chủ trì thực hiện.

Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí phát biểu tại buổi nghiệm thu đề tài

 

Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) chủ trì thực hiện.

 

Hai đề tài này đề thuộc Dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”.

 

Trong đó, mục tiêu của đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải khói cho các nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” nhằm từng bước làm chủ công tác nghiên cứu, thiết kế hệ thống thải khói nhà máy nhiệt điện đốt than, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

 

Đồng thời, làm chủ được quy trình chế tạo, xây lắp, quy trình thử nghiệm, chạy thử, vận hành và bảo dưỡng hệ thống thải khói nhà máy nhiệt điện than; thay đổi, phát triển linh hoạt để áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào các dự án tương tự khác; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên sâu về tư vấn thiết kế, chế tạo, vận hành và quản lý hệ thống thải khói nhà máy nhiệt điện đốt than.

 

Còn đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” với mục tiêu làm chủ được thiết kế và công nghệ chế tạo hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW.

 

Đặc biệt, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành 1 hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW. Cùng với đó, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, tư vấn, vận hành… cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong nước.

Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho biết, nhu cầu cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam từ nay tới năm 2025 rất lớn. Thông qua việc triển khai các đề tài, sẽ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam về thiết kế và chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực thiết kế và quản lý dự án qua nhận chuyển giao bản quyền thiết kế và thực hiện dự án của các doanh nghiệp trong nước.

 

Mặt khác, góp phần chủ động trong việc thay thế thiết bị, phụ tùng, giảm thiểu thuê chuyên gia nước ngoài; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm do giảm giá thành mà chất lượng vẫn tương đương ngoại nhập.

 

“Kết quả đạt được của đề tài đã minh chứng cho khả năng của các đơn vị trong nước với đội ngũ khoa học kỹ thuật và trình độ ngày càng được nâng cao và luôn nỗ lực học hỏi công nghệ mới có khả năng đảm nhiệm các dự án phức tạp tương tự cho các chương trình phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới” - TS. Phan Đăng Phong khẳng định.

 

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá các đề tài đạt yêu cầu, hoàn thành đầy đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại các sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương đặt hàng.

Nguồn: Báo Công Thương