Lần đầu tiên, bằng nội lực khoa học và công nghệ, dây chuyền thiết bị đồng bộ nhà máy nhiệt điện than công suất 600 MW được nghiên cứu, chế tạo tại Việt Nam.
Chất lượng sản phẩm tương đương các nước G7
Bộ Công Thương vừa nghiệm thu Dự án khoa học và công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” do Viện Nghiên cứu Cơ khí chủ trì thực hiện.
Bộ Công Thương nghiệm thu Dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”
Mục tiêu của dự án là làm chủ thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW theo định hướng mục tiêu tại Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW.
Đối tượng nghiên cứu gồm: Các hệ thống BOP: hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than (CHS); hệ thống khử ô xít lưu huỳnh trong khói lò (FGD); hệ thống thải tro xỉ (AHS); hệ thống cung cấp dầu đốt phụ trợ; hệ thống thải khói; hệ thống xử lý nước và hệ thống xử lý nước thải; hệ thống nước làm mát; hệ thống Hydrogen làm mát tổ máy phát điện; trạm phân phối đầu ra đến 500kV và hệ thống nhị thứ; hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Thiết kế kỹ thuật nhà máy nhiệt điện theo Quyết định 1791/QĐ-TTg; các giải pháp, quy chế, quy trình quản lý, tổ chức để thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện áp dụng cơ chế 1791/QĐ-TTg.
TS Nguyễn Chỉ Sáng, chủ nhiệm dự án cho biết, đây là dự án khoa học và công nghệ quy mô lớn lần đầu tiên được nghiên cứu và triển khai ở nước ta trong lĩnh vực nhiệt điện. Đối tượng nghiên cứu không chỉ là các thiết bị đơn lẻ mà là các hệ thống thiết bị đồng bộ, trong đó chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp về công nghệ chế tạo thiết bị cần được nghiên cứu sâu về bản chất để xác định các vấn đề thiết yếu phải giải quyết.
Các đề tài nghiên cứu tập trung vào các hệ thống thiết bị chính, quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến công tác chế tạo thiết bị toàn bộ của nhà máy nhiệt điện. “Đến nay, dự án đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại các sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương đặt hàng” - TS Nguyễn Chỉ Sáng nhấn mạnh.
Cụ thể, hoàn thành việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành 6 hệ thống BOP, bao gồm: Hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than; hệ thống thải tro xỉ; hệ thống thải khói; hệ thống nước làm mát; trạm phân phối đầu ra đến 500kV và hệ thống nhị thứ; hệ thống phòng cháy, chữa cháy đáp ứng các yêu cầu đặt ra của các dự án.
“Chất lượng các sản phẩm khoa học và công nghệ tương đương với công nghệ từ các nước G7 đã được ứng dụng đạt hiệu quả kinh tế cao tại các dự án nhiệt điện trong nước như Sông Hậu 1, Thái Bình 1, Nghi Sơn 2” - TS Nguyễn Chỉ Sáng khẳng định.
Hiệu quả kinh tế lớn, lâu dài
Theo TS Nguyễn Chỉ Sáng chia sẻ, sau dự án, giá thành đầu tư cho các hạng mục BOP (nêu trong Quyết định 1791) nhà máy nhiệt điện than công suất 600 MW dự kiến giảm từ 10% - 20% và góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP do tỷ lệ nội địa hóa thiết bị dây chuyền đồng bộ nhà máy nhiệt điện được tăng lên.
Tiến sĩ Nguyễn Chỉ Sáng, chủ nhiệm dự án phát biểu tại buổi nghiệm thu dự án
Cụ thể, giảm được khoảng 65% chi phí thuê chuyên gia nước ngoài trong công tác quả lý dự án, tư vấn thiết kế và các dịch vụ kỹ thuật khác. Tỷ lệ nội địa hóa toàn bộ dây chuyền thiết bị đồng bộ sẽ tăng dần theo các dự án đầu tư cho các dây chuyền thiết bị đồng bộ nhà máy nhiệt điện than đạt 70-80% về khối lượng và 40-50% về giá trị.
Cũng nhờ đó, tăng tính tự chủ quốc gia trong công tác chế tạo thiết bị đồng bộ nhà máy nhiệt điện nói riêng và trong ngành cơ khí chế tạo nói chung, không phải phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài như hiện nay.
Từ thành công của dự án khoa học và công nghệ, đặc biệt là thành công trong việc làm chủ công nghệ 6 hệ thống trên, các doanh nghiệp cơ khí trong nước từng bước cao chất lượng nguồn nhân lực đủ khả năng để đảm nhiệm tại các công trình phức tạp tương tự.
Điển hình là nhờ vào việc tự lực trong công nghệ thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã tham gia chào thầu quốc tế và trúng thầu với các dự án lớn do các nhà thầu nước ngoài mời thầu (có cạnh tranh với cả các nhà thầu Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ) như: Hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than cho dự án Quảng Trạch 1, Hệ thống Thải tro và xỉ và Hệ thống Lọc bụi tĩnh điện cho dự án Nghi Sơn 2 và Vũng Áng 2.
Thành công của dự án còn là cơ sở để áp dụng vào các dự án nhiệt điện than hoặc các nhà máy nhiệt điện khí và các dự án công nghiệp trong các lĩnh vực khác.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để các cơ quan chủ trì đề tài mở rộng kết quả nghiên cứu của dự án cho các nhà máy nhiệt điện, điện rác, điện gió, điện khí trong nước. Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế ưu đãi có thời hạn đối với các dự án sử dụng các sản phẩm KH&CN được nghiên cứu thành công nhằm khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng kết quả nghiên cứu
Nguồn: Báo Công thương
Tin liên quan