VIỆN NGHIÊN CỨU CƠ KHÍ

  • Tiếng Việt
  • English
Cầu nối từ nghiên cứu đến thị trường

vpdt.vnptioffice.vn

Cầu nối từ nghiên cứu đến thị trường

Để khoa học và công nghệ (KH&CN) vào được sản xuất và thị trường, bên cạnh vai trò quyết định của các nhà khoa học, phải kể đến vai trò quan trọng của truyền thông, báo chí. Nếu không có báo chí thì nhiều sản phẩm khoa học vẫn ở trong ngăn tủ và sản xuất vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.
 
Sát cánh cùng hoạt động nghiên cứu
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, TS. Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) – cho biết: Thời gian qua, đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí truyền thông đã cùng sát cánh, chia sẻ thông tin về quá trình thực hiện và kết quả nhiệm vụ KH&CN do viện thực hiện tới đông đảo công chúng. Đội ngũ các nhà báo, phóng viên đã miệt mài, đi sâu, đi sát và truyền tải những kết quả rất nổi bật của viện.

 

“Thông qua các thông tin được đăng tải trên báo, đài mà nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp đã biết đến năng lực hoạt động KH&CN của viện trong lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, xi măng, điện mặt trời… Từ đó, giúp viện ký kết được hàng chục dự án, mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng” – TS. Phan Đăng Phong thông tin.

Cầu nối từ nghiên cứu đến thị trường

Báo chí giúp lan tỏa kết quả các hoạt động khoa học và công nghệ

 

PGS.TS Lê Quang Diễn – giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – nhận định: Trong thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng KH&CN, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, báo chí chính là cầu nối không thể thiếu giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp, với các tổ chức kinh tế, xã hội. Thông qua các thông tin cập nhật và xác đáng về các kết quả nghiên cứu KH&CN, các doanh nghiệp hoặc những tổ chức, cá nhân khác có cơ hội tiếp cận với những thành tựu mới về KH&CN có thể áp dụng cho lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.

 

Đồng thời, đội ngũ các nhà khoa học cũng có cơ hội triển khai các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, phục vụ nhu cầu xã hội, tạo động lực cho hoạt động KH&CN và trong nhiều trường hợp có thể tìm kiếm nguồn lực về tài chính và hỗ trợ khác để phát triển lĩnh vực nghiên cứu.

 

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Theo TS. Phan Đăng Phong, báo chí có vai trò giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế – xã hội… Đây là một trong những kênh thông tin quan trọng, giúp lãnh đạo viện và các nhà khoa học định hướng hoạt động KH&CN, hoạt động nghiên cứu triển khai đúng hướng, kịp thời. “Viện Nghiên cứu cơ khí luôn coi trọng hoạt động truyền thông trong lĩnh vực KH&CN, xem đó là động lực, điều kiện tiên quyết tạo sự thành công trong việc đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống” – TS. Phan Đăng Phong khẳng định.

 

PGS.TS Lê Quang Diễn cho rằng: Hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ đơn thuần phản ánh các kết quả KH&CN nổi bật, mà cần phải phản ánh mọi khía cạnh của hoạt động KH&CN, mối liên hệ giữa hoạt động KH&CN với các lĩnh vực kinh tế – xã hội trong và ngoài nước…

 

Đánh giá về vai trò của truyền thông KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ: Các nhà báo khoa học đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút công chúng, đưa công việc của các nhà khoa học từ phòng thí nghiệm đến sự chú ý của công chúng. Một nhà báo khoa học không phải lúc nào cũng cần kiến thức chi tiết, chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể, nhưng phải có kiến thức rộng về khoa học cùng với niềm đam mê khoa học và khả năng truyền đạt khái niệm khó.

 

Trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội chung, ở nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu của công chúng về truyền thông KH&CN ngày càng tăng, xuất phát từ chính nhu cầu của cộng đồng khoa học và xã hội. Truyền thông KH&CN đã trở thành một phần quan trọng trong xã hội hiện đại.

Nguồn Báo Công thương tại link: https://congthuong.vn/cau-noi-tu-nghien-cuu-den-thi-truong-159263.html