Tiếp nối thành công trong công tác triển khai chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN), nội địa hóa các hệ thống, thiết bị nhà máy công nghiệp, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) đang đầu tư mạnh mẽ và toàn diện cho công tác nghiên cứu KH&CN, nội địa hóa và làm chủ thiết kế hệ thống thiết bị cho nhiều chương trình kinh tế trọng điểm của nước nhà, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Đi đầu về làm chủ công nghệ
Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan nghiên cứu triển khai của Nhà nước về KH&CN thuộc lĩnh vực cơ khí và tự động hoá. Ngay từ những ngày đầu thành lập năm 1962, Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí (tiền thân của Viện Nghiên cứu Cơ khí) đã xác định nhiệm vụ nội địa hóa thiết bị và hệ thống của các nhà máy công nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị.
Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện phương châm gắn chặt các hoạt động nghiên cứu với các chương trình kinh tế xã hội. Trung bình mỗi năm Viện thực hiện khoảng 5 đến 10 đề tài/nhiệm vụ KH&CN các cấp. Với việc hỗ trợ từ các nguồn lực tài chính từ Bộ Công Thương, Bộ KH&CN phối hợp với nguồn lực tài chính từ các hợp đồng kinh tế lớn, Viện đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật.
Lắp đặt Hệ thống cung cấp than Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1
Tiêu biểu như: Làm chủ về thiết kế và chế tạo các thiết bị phụ trợ; từng bước làm chủ việc thiết kế nhà máy, quản lý dự án, tích hợp thiết bị đưa vào vận hành cho các nhà máy nhà máy chế biến bauxít; làm chủ về thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện, trong đó có hai dự án cấp đặt biệt là Sơn la (2400MW) và Lai Châu (1200MW). Sản phẩm được sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong việc mua thiết kế cho dự án thủy điện đầu tiên là A Vương. Làm chủ thiết kế, chế tạo một số hệ thống thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện như hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy; làm chủ việc thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động hóa cho các dây chuyền công nghiệp như nhà máy giấy, xi măng, thủy điện nhỏ; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời nổi; làm chủ công nghệ chuẩn đoán, giá sát tích cực các chi tiết quay cho các công trình công nghiệp; làm chủ công nghệ xử lý rác thải và phát điện từ rác thải.
Viện cũng đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ các công nghệ mới như: Công nghệ, thiết bị thải khô bùn đỏ, hệ thống sử lý sự cố môi trường (áp dụng cho các nhà máy alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ); thiết kế, chế tạo dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy và thiết kế chế tạo khuôn mẫu, đồ gá cho ngành ô tô, xe máy; rô bốt và hệ thống kho chứa thông minh cho các nhà máy sản xuất công nghiệp; hệ thống kho nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất xi măng; công nghệ thiết bị năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Nhân tố tạo nên thành công
Để có được sự thành công trong hoạt động nghiên cứu KH&CN, NARIME đã kiên trì định hướng lấy việc phục vụ các chương trình kinh tế lớn của đất nước làm “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động và có đầu tư sớm, đầu tư sâu để đón bắt, đáp ứng các chương trình này. NARIME đã tham gia vào các chương trình kinh tế lớn của đất nước trong các ngành công nghiệp như: Xi măng, thủy điện, nhiệt điện, công nghiệp khai thác và chế biến bô xít, giàn khoan…
Cung cấp, chế tạo thiết bị của hệ thống thải xỉ cho nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 – công suất 2×300 MW
NARIME xác định đây là các lĩnh vực cần đầu tư nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị, quản lý và xây dựng dự án … phấn đấu để trở thành không những là nhà cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, cung cấp thiết bị mà còn trở thành tổng thầu EPCM hay EPC mạnh.
Bên cạnh đó, NARIME luôn xác định trước khi nội địa hóa được các thiết bị phức tạp, đồng bộ thì việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị đơn giản, riêng lẻ là cần thiết, thông qua quá trình đó để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và bí quyết. Chỉ khi hiểu rõ và có những bí quyết nhất định thì chúng ta mới có điều kiện “cần và đủ” để hợp tác bình đẳng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đồng thời, thông qua các hoạt động cung cấp thiết kế, chế tạo, lắp đặt, đưa vào vận hành các thiết bị, hệ thống, cũng như hoạt động cung cấp dịch vụ khác để xây dựng lòng tin với các chủ đầu tư, khách hàng, xây dựng thương hiệu NARIME và phát triển công tác nội địa hóa.
Trong công tác chế tạo và cung cấp thiết bị, NARIME cũng chủ trương liên kết với các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Theo đó, các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp một số máy và thiết bị quan trọng của hệ thống hay sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. NARIME đầu tư một số công nghệ chế tạo nhất định để chế tạo một số sản phẩm hay chi tiết quan trọng của thiết bị nhằm giảm dần tỷ lệ nhập ngoại.
Còn các thiết bị có thể chế tạo trong nước hay phần kết cấu thép thì tổ chức liên kết với các đơn vị chế tạo cơ khí trong nước để thực hiện. Trong các công việc này, NARIME trực tiếp thực hiện phần tích hợp hệ thống, phần chạy thử và đưa vào vận hành với sự giúp đỡ của chuyên gia hoặc công ty nước ngoài có uy tín và thương hiệu.
Để có thể đi tắt, đón đầu công tác nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện, NARIME đã nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc. Quá trình nội địa hóa nhà máy nhiệt điện là một quá trình liên tục liên quan đến việc chuyển đổi các thể chế truyền thống và công nghệ cũ bằng cách áp dụng kiến thức khoa học công nghệ hiện đại.
NARIME bắt đầu quá trình nội địa hóa bằng “vay” công nghệ từ nước ngoài. Điều này được xác định là rất cần thiết cho các công ty bắt đầu muộn, đó là khả năng không bắt chước 100% công nghệ “mượn”, nhưng để tạo ra sự bắt chước sáng tạo.
Theo nguồn báo Công Thương: https://congthuong.vn/vien-nghien-cuu-co-khi-don-dau-noi-dia-hoa-thiet-bi-cho-nganh-cong-nghiep-156977.html
Tin liên quan