PGS. TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Viện trưởng
Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành Cơ khí Việt Nam trong chương trình nội địa hoá thiết bị cho các ngành công nghiệp.
Chuẩn bị kỹ lưỡng về đầu tư, năng lực và nguồn nhân lực
Với định hướng hoạt động phục vụ các chương trình kinh tế lớn của đất nước. Dựa trên chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, trên nhu cầu thị trường, Viện đã chú trọng đầu tư về nhân lực, cơ sở nghiên cứu, hợp tác quốc tế, đón đầu, đáp ứng các chương trình này. Trong giai đoạn vừa qua, Viện đã đầu tư nghiên cứu, hợp tác nhận chuyển giao công nghệ để làm chủ thiết kế, chế tạo, quản lý dự án trong các ngành công nghiệp xi măng, công nghiệp thủy điện, nhiệt điện, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
Để làm chủ công tác thiết kế, chế tạo về công nghệ xi măng, thủy điện, nhiệt điện, bô xít, tự động hóa, Viện đã đào tạo nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức như tự đào tạo nâng cao kiến thức về cơ khí, tự động hóa, hợp tác với các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực này để học hỏi, nhận chuyển giao công nghệ không chỉ về cơ khí, tự động hóa mà còn kiến thức công nghệ về các chuyên ngành khác. Về chuyển giao công nghệ, nếu như trong giai đoạn trước, Viện tập tập trung nhận chuyển giao trong quá trình thực hiện dự án, thì trong năm năm gần đây, Viện đã có khả năng mua thiết kế, thuê chuyên gia thậm chí mua licence (chuyển giao công nghệ) của các công ty có công nghệ tiên tiến, nhờ đó, năng lực của Viện được cải thiện nhanh chóng.
Về chế tạo, cung cấp thiết bị, Viện chủ trương liên kết với các nhà sản xuất trong và ngoài nước, trong đó các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp một số máy và thiết bị quan trọng của hệ thống hay sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, Viện đầu tư một số công nghệ chế tạo để chế tạo một số sản phẩm hay chi tiết quan trọng của thiết bị nhằm giảm dần tỷ lệ nhập ngoại, một số thiết bị khác Viện đặt hàng các đơn vị chế tạo cơ khí trong nước nhằm phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước, giảm đầu tư, hạ giá thành sản phẩm.
Để có thể làm chủ về công nghệ tư vấn thiết kế, Viện xác định nguồn nhân lực là một trong những những yếu tố quyết định, do đó công tác tuyển dụng, đào tạo ngắn hạn, dài hạn luôn được chú trọng. Về tuyển dụng, cán bộ được tuyển dụng phải theo một qui trình tuyển dụng chặt chẽ, có sát hạch về kiến thức chuyên ngành, về trình độ ngoại ngữ. Sau khi tuyển dụng cán bộ trẻ được thử thách trong các dự án cụ thể với sự kèm cặp của cán bộ có kinh nghiệm của Viện, các cán bộ này được học các khóa ngắn hạn về chuyên ngành, về quản lý dự án, về ngoại ngữ. Các cán bộ lâu năm hơn được tham gia các khóa học thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài Viện. Đặc biệt, Viện có hợp tác với một số trường đại học tại Hàn Quốc để đào tạo sau đại học cho cán bộ Viện. Đến nay, đã có hàng chục cán bộ hoàn thành xuất xuất xắc khóa học tại đây và hiện đang nắm vai trò quan trọng trong các dự án của Viện.
Vững vai trò nội địa hóa
Với định hướng chiến lược rõ ràng, trong giai đoạn vừa qua, Viện đã đạt được một số thành công đáng ghi nhận trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh.
Trong lĩnh vực thủy điện: Trước năm 2005, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết thiết bị cơ khí thủy công của nước ngoài, với chủ trương của Chính phủ về nội địa hóa đến mức tối đa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu Cơ khí tìm mua thiết kế, nhận chuyển giao công nghệ thiết kế của nước ngoài. Từ năm 2005, Viện đã hợp tác với Công ty ZaparozeGhidrostal (Ucraine) để thiết kế thiết bị cơ khí thủy công, đến nay Viện đã hoàn toàn làm chủ thiết kế, đã cùng các doanh nghiệp cơ khí trong nước chế tạo cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án có giá trị hàng ngàn tỷ đồng, với giá thành rẻ đáng kể so với sản phẩm nhập ngoại. Gần đây nhất, Viện và các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công thiết bị cơ khí thủy công cho Nhà máy thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu góp phần đưa dự án về trước tiến độ. Hiện Viện đang tìm kiếm cơ hội hợp tác thực hiện việc thay thế, bảo đưỡng, sửa chữa các thiết bị này tại nước ngoài.
Trong lĩnh vực công nghiệp khai thác và chế biến bô xít: Với chủ trương phát huy nội lực, lãnh đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã chỉ định Viện làm tổng thầu, cho phép Viện thuê chuyên gia nước ngoài để đảm nhận những công việc trước đây chỉ giành cho các nhà thầu nước ngoài. Cũng trong ngành công nghiệp bô xít, Viện đã liên danh với các công ty trong nước như Công ty Chế tạo máy Than Cẩm Phả, Tổng công ty Vinaincon thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công Nhà máy tuyển rửa quặng bô xít. Đến thời điểm hiện tại, hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ mà Viện tham gia quản lý dự án cho chủ đầu tư đã đưa vào hoạt động tốt đạt hiệu quả về kinh tế, xã hội. Về công nghệ thiết kế nhà máy, qua quá trình tham gia dự án, Viện đã làm chủ công nghệ, đến nay có thể làm chủ không chỉ trong công tác bảo hành, sửa chữa mà còn có thể đảm nhận vai trò tổng thầu trong đầu tư mở rộng, đầu tư mới các dự án tương tự.
Trong lĩnh vực nhiệt điện: Viện đã được Bộ Công Thương, Chính phủ chỉ định là đơn vị đầu mối trong việc nhận chuyển giao công nghệ, để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo một số một số thiết bị cho nhà máy nhiệt điện theo Quyết định 1791/QĐ-TTg. Đến nay, Viện đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị lọc bụi tĩnh điện, thiết bị thải tro xỉ, thiết bị bốc dỡ và vận chuyển than, thiết bị khử lưu huỳnh… Một số thiết bị do Viện thiết kế, chế tạo thành công có thể kể như sau: Thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho dự án nhiệt điện Vũng Áng 1; Dự án Thái Bình 1; Thiết bị tro thải xỉ cho dự án Thái Bình 1; Thiết bị bốc dỡ và vận chuyển than cho dự án nhiệt điện Sông Hậu 1. Sự thành công ở các dự án này mở đầu cho việc thiết kế, chế tạo hàng loạt thiết bị khác cho các dự án nhiệt điện đang và sẽ được đầu tư.
Trong lĩnh vực tự động hóa: Viện hiện là đơn vị có uy tín tại Việt Nam trong lĩnh vực tích hợp hệ thống. Viện đã thiết kế, tích hợp, viết chương trình điều khiển, cung cấp, đào tạo, đưa vào vận hành nhiều hệ thống tự động hóa cho các công đoạn hay toàn bộ nhà máy giấy, nhà máy xi măng, nhà máy thủy điện và các thiết bị của nhà máy nhiệt điện.
Trong thời gian tới, Viện tiếp tục kiên trì với định hướng phát triển, với các giải pháp về bồi dưỡng nguồn nhân lực, giải pháp về nghiên cứu, nhận chuyển giao để làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, tự động hóa và một số công nghệ chuyên ngành. Ngoài ra, Viện sẽ mở rộng phạm vi hoạt động sang một số lĩnh vực như công nghệ và thiết bị môi trường cho nhà máy nhiệt điện, công nghệ và thiết bị cho lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Trải qua chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, với kinh nghiệm truyền thụ lại của các thế hệ đi trước, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ CBCNV, với Chiến lược phát triển đúng đắn và những giải pháp thiết thực, trong thời gian tới Viện Nghiên cứu cơ khí sẽ đóng góp nhiều hơn vào các chương trình phát triển kinh tế, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tin liên quan