Trong bối cảnh ngành công nghiệp thế giới đang bước sang cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 4 thì ở Việt Nam, ngành cơ khí chế tạo còn đang khá lạc hậu, trình độ công nghệ chủ yếu vẫn ở trình độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 với nhiều khó khăn và tồn tại như: Ngành sản xuất cơ khí vẫn chỉ ở trình độ làm gia công. Ở rất nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ sức tự thiết kế, chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế; chưa đủ sức chế tạo linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia, sửa chữa các trang thiết bị phức tạp… Doanh nghiệp cơ khí thường có quy mô nhỏ, quản trị kém, công nghệ thấp, khả năng liên kết yếu… Việc sử dụng công nghệ điện tử và công nghệ thông tin còn chưa phổ biến, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do có cách tổ chức sản xuất tốt đã và đang có rất nhiều loại sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam làm rất tốt như thiết bị cơ khí thuỷ công cho thuỷ điện, giàn khoan dầu khí, các chi tiết phi tiêu chuẩn cho công nghiệp xi măng, nhiệt điện, hoá dầu…
Trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chủ trương phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành, ngành cơ khí trong nước đã đạt được những thành quả đáng kể góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại Việt Nam, trong một số dự án, với sự hỗ trợ của hoạt động khoa học công nghệ đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Chúng ta sẽ điểm qua một số dự án thành công như sau:
– Trong công nghiệp xi măng, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã hợp tác với Tập đoàn Thiên Tân Trung Quốc, mua thiết bị chính kèm theo thiết kế cơ sở của Thiên Tân, kết hợp với việc lấy mẫu các thiết bị đã có tại Việt Nam, cùng với kinh nghiệm sẵn có đã thiết kế, chế tạo và cung cấp trong nước 40% thiết bị của nhà máy xi măng Sông Thao
– Trong lĩnh vực thủy điện, trước năm 2005 Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết thiết bị cơ khí thủy công của nước ngoài, với chủ trương của Chính phủ về nội địa hóa đến mức tối đa có thể, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương các doanh nghiệp đã tìm mua thiết kế, nhận chuyển giao công nghệ thiết kế của nước ngoài. Từ năm 2005 các công ty trong nước đã hợp tác với công ty ZaparozeGhidrostal của U-crai-na để thiết kế thiết bị cơ khí thủy công, đến nay đã hoàn toàn làm chủ thiết kế và chế tạo cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, giá thành rẻ đáng kể so với sản phẩm nhập ngoại. Gần đây nhất, là việc cung cấp thiết bị cho nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu.
– Trong lĩnh vực khai thác dầu khí, với chủ trương nội địa hóa của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí, các công ty trong nước đã hợp tác với công ty LeTournue của Mỹ và một số công ty của Singapor để đóng mới giàn khoan 90 mét nước. Với thiết kế cơ sở và một số thiết bị chính mua của nước ngoài, chúng ta không những chế tạo được giàn khoan với chất lượng tương đương G7, giá thành cạnh tranh mà còn đào tạo được đội ngũ kỹ sư thiết kế, công nhân chế tạo, từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo giàn khoan.Trong ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô xít, với chủ trương phát huy nội lực, lãnh đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã chỉ định Viện Nghiên cứu Cơ khí làm tổng thầu EPCM, cho phép Viện thuê chuyên gia nước ngoài để đảm nhận những công việc trước đây chỉ giành cho các nhà thầu nước ngoài. Cách làm như vậy không những tiết kiệm cho chủ đầu tư mà còn nâng cao năng lực thiết kế quản lý dự án của Viện một cách đáng kể. Qua việc thuê chuyên gia, cùng làm việc với chuyên gia, đến nay Viện đã có thể đảm nhận được thiết kế cơ sở cho các dự án mới. Với việc quản lý dự án cho dự án tiếp theo, Viện có thể giảm bớt chuyên gia nước ngoài và thay thế bằng kỹ sư của Viện.
– Và gần đây nhất, Bộ Công Thương và Bộ KHCN cho phép Viện thực hiện hai nhiệm vụ KHCN lớn: Một là, Dự án KHCN “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h”. Viện đã thành công trong việc thiết kế, chế tạo thiết bị ESP cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng với tỷ lệ nội địa hóa lên tới trên 79,6% bao gồm cả phần thiết kế và chế tạo, đặc biệt đã nội địa hóa được những chi tiết chính (key component) như cự lắng, cực phóng, bộ gõ, hệ thống điện và điều khiển. Kết quả Dự án đang được ứng dụng vào dự án NMNĐ Thái Bình 1 và sẽ nhân rộng sang đối với các Dự án NMNĐ Nghi Sơn 2, Vũng Áng 3.1 và Quỳnh Lập 1. Ngoài ra, với sự hỗ trỡ của nguồn vốn KHCN kết hợp với vốn từ Hợp đồng kinh tế, Viện đã hoàn thành việc đầu tư một dây chuyền sản xuất hiện đại để chế tạo các thiết bị cực lắng, cực phóng chuyên dùng; Hai là, Đề tài KHCN “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy điến khoảng 600MW” thuộc Dự án KHCN “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”. Dự án được áp dụng vào NMNĐ Sông Hậu 1 với tỷ lệ công tác tư vấn thiết kế do trong nước thực hiện chiếm hơn 40% bao gồm cả thiết kế cơ sở và phần chế tạo chiếm khoảng 50,3%. Bằng việc kết hợp giữa kinh phí được hỗ trợ từ KHCN và kinh phí của hợp đồng kinh tế, dự án đã hoàn thành đầu tư một dây chuyền sản xuất hệ thống băng tải với công suất thiết kế có thể đáp ứng cho ít nhất bốn dự án nhiệt điện với công suất khoảng 1200 MW trong một năm.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là việc đóng góp của KHCN của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung vào các sự phát triển của ngành cơ khí trong thời gian qua còn rất hạn chế, bằng chứng là hầu hết các dự án lớn của đất nước đều do nước ngoài làm tổng thầu, đa số các lĩnh vực chuyên ngành chưa đạt được sự phát triển như mong muốn. Ví dụ như ngành thiết bị đồng bộ đặt ra chỉ tiêu “phấn đấu đáp ứng 40% nhu cầu TBTB” thì các doanh nghiệp khí chủ yếu mới tham gia sản xuất được phần sản phẩm phi tiêu chuẩn và chưa chủ động được phần thiết kế, chúng chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị thiêt bị của công trình; ngành máy động lực với mục tiêu “sản xuất được động cơ thủy 400 CV trở lên, tỉ lệ NĐH 35 – 40%” thì nay mới cũng chỉ dừng ở mức thủy hóa động cơ 60 – 80 CV; ngành máy kéo và máy nông nghiệp, mục tiêu “đến 2010 làm được máy kéo 4 bánh cỡ trung 50-80 CV” cũng không thực hiện được…
Có thể chỉ ra một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, do lợi ích của nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và chủ đầu tư thường xung đột nên việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, đặc biệt là trong các dự án thuộc chương trình kinh tế lớn là rất hạn chế. Việc nghiên cứu chỉ thực sự có hiệu quả khi kết hợp với chương trình kinh tế xã hội có tính chất lâu dài. Qua việc áp dụng vào một số dự án các kết quả nghiên cứu được hoàn thiện làm giá thành sản phẩm cạnh tranh, chi phí mua và nhận chuyển giao công nghệ sẽ được khấu hao sau một số dự án.
Thứ hai, mặc dù chúng ta đã có chiến lược phát triển cơ khí, nhưng chưa xây dựng được chiến lược phát triển của cơ khí gắn với các ngành công nghiệp cụ thể: chưa xác định được các mục tiêu, tiêu chí đánh giá cụ thể; các mục tiêu của chiến lược không được tổng kết, đánh giá theo các giai đoạn; các cơ chế hỗ trợ không được thực hiện. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp như xi măng, năng lượng, khoáng sản, hóa chất… không gắn kết với chiến lược ngành cơ khí. Hơn thế nữa mặc dù một số ngành đã có chiến lược, qui hoạch nhưng nó cũng không được thực hiện một cách nghiêm túc.
Thứ ba, chúng ta chưa định hướng rõ các lĩnh vực KHCN cần được ưu tiên phát triển. Ví dụ, hiện nay tất cả gói thầu EPC trong các ngành công nghiệp như năng lượng, hóa chất, khoáng sản….đều do nước ngoài làm tổng thầu, một trong những nguyên nhân là chúng ta không làm chủ về tư vấn, thiết kế, quản lý dự án. Nếu chúng ta có mục đích rõ ràng là trong một số ngành công nghiệp chúng ta cần phải tự chủ về công nghệ thiết kế, chế tạo, xây lắp thì chúng ta sẽ đầu tư tiềm lực KHCN một cách có định hướng, chắc chắn chúng ta sẽ có đội ngũ khoa học công nghệ đảm đương được nhiệm vụ đó. Ví dụ khi Bộ Công Thương xác định Thiết bị cơ khí thủy công là thiết bị có thể chế tạo trong nước nhưng chúng ta chưa có năng lực thiết kế, Bộ giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu cơ khí mua thiết kế, nhận chuyển giao công nghệ thiết kế của nước ngoài, chỉ với 3 dự án chỉ định thầu đến nay ta đã hoàn toàn làm chủ thị trường này. Tuy nhiên, đây là một trong số rất ít định hướng của Nhà nước cho hoạt động của các đơn vị nghiên cứu khoa học. Các đơn vị nghiên cứu thiết kế hiện nay hoàn toàn tự loay hoay mà không hệ có định hướng của Nhà nước. Vì thế trong suốt thời gian qua, các đơn vị nghiên cứu phải tự định hướng phát triển, tự tìm kiếm công ăn việc làm, thậm chí tự xác định lĩnh vực hoạt động của mình. Như vậy, tiềm lực KHCN đã quá yếu kém, nhỏ nhoi lại càng bị phân tán và hầu như không đóng góp gì cho chương trình phát triển kinh tế xã hội trong điểm của đất nước.
Thứ tư, chúng ta không bảo hộ được thị trường để cho KHCN có đất để phát triển, chúng ta không có kế hoạch phát triển tổng thể, không có sự chỉ đạo phối hợp tổng thể các bộ, ngành, các thành phần kinh tế để thực hiện những mục tiêu chiến lược. Ví dụ, kinh phí đầu tư cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2007 – 2025 khoảng 80 – 100 tỷ USD, qua nhiều nghiên cứu thấy chúng ta có thể nội địa hóa khoảng 50% thiết bị phụ của nhà máy, chiếu khoảng 30% tổng giá trị thiết bị của nhà máy, Chính phủ đã có chính sách cụ thể tại Quyết định 1791 để phát triển các thiết bị phụ cho nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương và Bộ KHCN đã phê duyệt Dự án KHCN hàng trăm tỷ đồng để đạt được mục tiêu này, nhưng lại chưa có cơ chế rằng buộc Chủ đầu tư phải áp dụng áp dụng kết quả của dự án. Kinh nghiệm của Viện Nghiên cứu cơ khí, chỉ khi ta có dự án ta mới có thể tìm đối tác hợp tác chuyển giao công nghệ, còn nếu không có dự án thậm chí các đối tác không cần quan tâm đến việc mời hợp tác của các đơn vị làm công tác tư vấn, thiết kế. Tuy nhiên, các chủ đầu tư thông thường không muốn cho các nhà thầu trong nước làm nhà thầu chính mà bắt các nhà thầu Việt Nam phải đứng sau các nhà thầu nước ngoài và hậu quả là việc đàm phán chuyển giao công nghệ trở nên rất khó khăn.
Thứ năm, chúng ta không xây dựng được các mục tiêu cụ thể cho phát triển tiềm lực KHCN. Ví dụ khi Chính phủ chỉ định thầu cho doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực tư vấn thiết kế, quản lý dự án nhưng không đưa ra chỉ tiêu cụ thể phải đạt khi thực hiện cũng như việc tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm hay áp dụng kết quả trong diện rộng còn hạn chế, như vậy việc bảo hộ thị trường vốn đã rất ít lại càng kém phát huy hiệu quả.
Từ những phân tích trên để hoạt động KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại hóa ngành cơ khí, tác giả kiến nghị:
– Cần xây dựng được chiến lược phát triển tổng thể cho các ngành công nghiệp, chiến lược phát triển cơ khí sẽ là một phần của chiến lược tổng thể này, xác định rõ các lĩnh vực công nghiệp Nhà nước quyết làm chủ, xây dựng một kế hoạch đồng bộ để chiếm lĩnh thị trường này như về bảo hộ trường, khuyến khích đầu tư, thu xếp vốn, phát triển tiềm lực KHCN. Khi này phát triển tiềm lực KHCN chỉ là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện để đạt mục tiêu;-
– Đối với dự án KHCN khả thi áp dụng đạt kết quả, Nhà nước nên áp dụng hình thức giao nhiệm vụ trực tiếp, có quy định các Chủ đầu tư tiếp nhận áp dụng. Có như vậy qua 2 đến 3 dự án đầu tiên được áp dụng thì các đơn vị thực hiện dự án KHCN mới có cơ sở về năng lực kinh nghiệm tham gia thầu.
– Cần phải có các tiêu chí cụ thể cho việc phát triển tiềm lực KHCN, có cơ chế giám sát, đúc rút kinh nghiệm và áp dụng trong phạm vi rộng nhằm phát huy hết hiệu quả của việc phát triển tiềm lực KHCN.
– Các doanh nghiệp cần tối ưu hóa mô hình hoạt động để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh bằng việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp và hình thành các trung tâm gia công cơ khí để có thể có hệ thống sản xuất linh hoạt, đáp ứng được với yêu cầu thay đổi nhanh của thị trường. Với điều kiện về thực trạng ngành cơ khí chế tạo và điều kiện kinh tế hiện tại câng ưu tiên phát triển các sản phẩm tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu. Bên cạnh đó, cần thành lập cụm công nghiệp theo đúng nghĩa bao gồm các doanh nghiệp cơ khí nhỏ và vừa, và các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ như doanh nghiệp cung cấp vật liệu, vật tư đầu vào, doanh nghiệp làm xuất khẩu, logistic, ngân hàng, các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng…
– Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các Dự án KHCN. Thời gian để phê duyệt một dự án KHCN từ khi đăng ký đến khi được phê duyệt đủ điều kiện để triển khai cần được quy định cụ thể không quá 3 tháng nhằm giảm thiểu ít nhất sự lệch pha trong quá trình triển khai dự án KHCN và Dự án sản xuất.
– Cuối cùng, các doanh nghiệp cơ khí cần tiếp cận và làm chủ công nghệ thông tin: Tiếp cận các giải pháp công nghệ thông tin mới, làm chủ khoa học phân tích và xử lý dữ liệu để có thể thích ứng và tận dụng được những thế mạnh của công nghệ thông tin.
Có thể nói, trong hoàn cảnh ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí Việt Nam nói riêng còn chưa hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 thì con đường nhanh nhất, đúng đắn nhất để khoa học công nghệ phục vụ một cách hiệu quả nhất cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là tạo thị trường phát triển các lĩnh vực cơ khí trọng điểm và đẩy mạnh nhận chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến. Muốn điều này thực hiện được, một mặt Chính phủ phải có định hướng, quy hoạch phát triển công nghiệp rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần phải tự đổi mới mình, sắp xếp, tối ưu hóa mô hình hoạt động, chú trọng áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất.
Tin liên quan